Sẽ có hai hình thức khoán kinh phí sử dụng xe công

Đối với xe phục vụ đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại, kinh phí sẽ được xác định theo 2 hình thức: khoán theo số km di chuyển thực tế hoặc khoán gọn.

Sẽ có hai hình thức khoán kinh phí sử dụng xe công

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 24/2019/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công.

Theo đó, đối với xe phục vụ đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại, kinh phí sẽ được xác định theo 2 hình thức: khoán theo số km di chuyển thực tế hoặc khoán gọn.

Với khoán theo số km thực tế, số tiền khoán được tính bằng số km (khoảng cách thực tế ngắn nhất mà ô tô 4 chỗ được phép lưu thông từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại) nhân với số ngày làm việc thực tế trong tháng và nhân với đơn giá khoán.

Hình thức khoán gọn được áp dụng đối với tất cả các chức danh hoặc áp dụng đối với từng chức danh. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên các Tập đoàn kinh tế quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng mức khoán gọn đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế, khoảng cách từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại của các chức danh nhận khoán.

Ở hình thức này, số tiền khoán (đồng/tháng) cũng được xác định bằng cách nhân số km bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại, với số ngày đưa đón bình quân hàng tháng và đơn giá khoán.

Cách tính kinh phí khoán sử dụng xe công tương tự cũng được áp dụng với việc sử dụng xe đi công tác.

Thông tư lần này cũng hướng dẫn xác định số lượng ô tô được phép sử dụng của các cục, vụ và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan trung ương.

Cụ thể, số lượng xe công được phép sử dụng được xác định bằng số lượng đơn vị thuộc cơ quan có biên chế dưới 50 người/đơn vị chia 2. Nếu kết quả dư từ 0,5 trở lên thì được làm tròn số thêm 1 xe.

Còn lại, mỗi đơn vị thuộc cơ quan có từ 50 biên chế trở lên thì được sử dụng 1 xe trên mỗi đơn vị.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/6/2019.