Sau 'chạy' trường lớp lại đến 'chạy' thầy cô

Không chỉ “chạy” trường, “chạy” lớp, mà bây giờ, cuộc marathon “chạy” thầy, “chạy” cô cho con mới gọi là cam go khốc liệt, đặc biệt là lớp đầu cấp.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
 Ảnh nh hoạ của ĐAN/ Laodong.vn

Sau khi cẩm nang đô thị đăng tải bài viết “Chạy trường, cuộc đua của người lớn khiến con trẻ mệt nhoài”, VOVGT nhận được nhiều ý kiến phản hồi của thính giả, đặc biệt là các phụ huynh học sinh, chia sẻ góc nhìn này. Một số phụ huynh cho rằng, tình trạng thực tế còn “nóng” hơn rất nhiều so với những gì được biết tới lâu nay.

Không chỉ “chạy” trường, “chạy” lớp, mà bây giờ, cuộc marathon “chạy” thầy, “chạy” cô cho con mới gọi là cam go khốc liệt, đặc biệt là lớp đầu cấp.

Nghe đồn thầy A, cô B dạy giỏi nhất, rèn học sinh tốt nhất khối 1, khối 6 của trường nọ, lập tức, hàng loạt bố mẹ đua nhau nhờ vả, liên hệ chạy chọt để con được vào lớp do thầy/ cô đó chủ nhiệm hoặc đứng lớp. Khổ nỗi, một lớp tối đa cũng chỉ được mấy chục học sinh, mà giải “chạy” có hàng trăm người tham gia. Cho nên, nào thì can thiệp từ trên cao, nào thì tác động từ phía sau, hay đặt vấn đề trực diện... Và tất nhiên, không bao giờ chỉ chạy bằng quan hệ, mà còn bằng…ngoại tệ, có khi tới 4 con số mà vẫn chưa chắc suất.

Dưới tác động của những cuộc “chạy” này, việc xếp lớp bị can thiệp một cách thô bạo, bị đảo lộn và phá vỡ hết các tiêu chí cần có để đảm bảo tính khoa học và cân bằng. Sẽ hình thành những lớp “con nhà giàu”, và lớp “chọn” biến thành lớp “chạy”.

Cảm giác tự ti vì bị “phân biệt” có thể sẽ xuất hiện ở nhóm trẻ em không nằm trong lớp “chạy”, cùng với đó là khả năng thiệt thòi về cơ hội học tập, thiếu bình đẳng về mức độ quan tâm. Trong khi, áp lực lại đổ dồn lên một số thầy cô được  đánh giá trội hơn. Cơ hội phát triển đồng đều chất lượng giảng dạy và học tập của nhà trường cũng bị tổn hại.

Đó là điều mà các bậc phụ huynh đứng ngoài cuộc “chạy” này chỉ biết ngao ngán lắc đầu. Sao phải chạy mệt thế, các bố mẹ ơi? Trẻ em có đáng bị quan tâm thái quá theo cách này không? Chúng sẽ thế nào với áp lực đè nặng ngay từ đầu, rằng bố mẹ mất bao công sức tiền bạc mới “chạy” được vào đây, liệu mà học hành cho xứng! Lẽ nào chúng ta yêu con bằng cách tước đi của chúng cơ hội tự thích ứng, tự trưởng thành từ chính những sự khác biệt trong môi trường sống, môi trường học tập hàng ngày?

Và hơn nữa, trẻ con học ở thầy cô, có phải chỉ mỗi kiến thức không đâu?

---

Mời quý vị và các bạn cùng nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 16/7 tại đây: