Sáng tạo, hiệu quả từ đợt cao điểm xử lý vi phạm TT ATGT

Triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ như tổ chức “đón lõng”, ghi hình từ xa.... để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT đã giúp Công an TP.Hà Nội xử lý hơn 76.000 trường hợp vi phạm, phạt hơn 85 tỷ đồng trong đợt cao điểm từ 20/06 - 20/09 vừa qua.

Clip: Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn 

Thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, Công an TP. Hà Nội chỉ đạo Công an các quận, huyện triển khai xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, tập trung triển nhiều biện pháp nghiệp vụ chặt chẽ tại các tuyến đường tập trung nhiều hàng quán ăn uống, quán bia, karaoke vào các khung giờ cao điểm để xử lý vi phạm. 

Ghi nhận của phóng viên VOV Giao thông trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) vào những ngày triển khai kế hoạch;  đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận Cầu Giấy chia thành 4 tổ công tác, mỗi tổ từ 5-8 cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các tuyến phố: Nguyễn Ngọc Vũ, Vũ Phạm Hàm, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Khang, Trung Hòa.

Thiếu tá Công Thanh Bình – Cán bộ đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an quận Cầu Giấy cho biết: Đội đã tiến hành tuần tra kiểm soát, xử lý theo 2 khung giờ buổi trưa và buổi tối, là thời điểm thường xuyên xảy ra vi phạm về nồng độ cồn. Các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đều bị xử lý nghiêm.

Các tổ tuần tra, xử lý vi phạm lập tại các vị trí là điểm nóng về sử dụng rượu, bia nhằm phát hiện kịp thời để xử lý vi phạm. Ngăn chặn “ma men” tham gia giao thông

Thực tế khi triển khai, một số nhà hàng, quán bia khi phát hiện tổ công tác đã thông báo cho khách đi đường khác để tránh bị xử phạt; nhưng các tổ công tác của đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an quận Cầu Giấy tính toán lộ trình di chuyển, “đón lõng” kết hợp ghi hình từ xa nên phát hiện nhiều người điều khiển phương tiện nhưng có nồng độ cồn cao hơn mức kịch khung (0,4 ligam/lít khí thở).

Điển hình như tối 30/8, tổ công tác số 2 lập chốt tại số 161 phố Quan Hoa đã ngăn chặn kịp thời trường hợp Lê Xuân Đức, ở phố Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy, điều khiển xe ô tô khi nồng độ cồn lên tới 0,687 mg/l khí thở;  hay như trường hợp Vũ Quang Trường trú tại Phú Châu, huyện Ba Vì (Hà Nội) điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn tới mức 0,52mg/l khí thở vào tối ngày 19/07 tại phố Quan Hoa.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, tại chốt kiểm tra xử lý của Công an quận Cầu Giấy đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn, có trường hợp mức vi phạm vượt mức “kịch khung”.

Thiếu tá Công Thanh Bình cho biết hầu hết người vi phạm khi bị kiểm tra nồng độ cồn đều chấp hành và nhận thức được lỗi vi phạm của mình; nhưng một số trường hợp lại nêu ra muôn vàn lý do để biện nh, trốn tránh trách nhiệm, thậm chí còn nhờ sự trợ giúp, can thiệp.

Tuy nhiên, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng này đều bị kiên quyết xử phạt, tước giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện theo quy định.

Qua đó, sau 3 tháng triển khai, Công an quận Cầu Giấy (một trong những đơn vị xử phạt nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn lớn nhất Công an thành phố Hà Nội) đã xử lý 2.569 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 3 tỷ đồng, trong đó xử phạt 342 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.  

Đối với những trường hợp vi phạm, lực lượng Công an quận Cầu Giấy đều xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, phương tiện vi phạm bị niêm phong tạm giữ.

Trong đợt cao điểm xử lý vi phạm này, một điểm nổi bật, đạt kết quả tốt đó là Công an thành phố Hà Nội đã tuyên truyền đối với 2.304 nhà hàng, quán bar, vũ trường thực hiện nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.

Bà Nguyễn Kim Thoa – Chủ nhà hàng Dê Tươi, chân tập thể Nghĩa Tân, phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của lực lượng chức năng. Và tại cơ sở của bà Thoa cũng yêu cầu nhân viên nhắc nhở khách nếu uống rượu bia đón taxi về.

Song song với việc xử lý vi phạm, lực lượng CSGT – Công an TP Hà Nội kết hợp với việc tuyên truyền tới chủ cơ sở kinh doanh quán nhậu, người điều khiển phương tiện về tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.

Đồng tình với chủ trương đúng đắn của Bộ Công an về thực hiện cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, nhiều người mong muốn trong thời gian tới lực lượng công an tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý các trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. 

"Việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là sai. Tôi rất ủng hộ và mong lực lượng công an tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp để trấn áp vi phạm trên", chị Vũ Thanh Hà - ở phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội) nói

Còn chị Nguyễn Thanh Hoa ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: "Sử dụng rượu bia không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mình và những người khác, những trường hợp này phải xử lý nghiêm".