Sản xuất, phân phối xanh: Xu thế tất yếu, tăng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp

Sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn nguyên vật liệu sơ cấp ngày càng cạn kiệt.

Nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng

Việt Nam là nước cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững Việt Nam năm 2004, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và mới đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Ông Cù Huy Quang - Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương)

Hơn 2 năm qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và nâng cao nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, hướng tới đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.

Chia sẻ tại Tại Tọa đàm "Sản xuất và phân phối xanh - Giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững" tổ chức sáng nay (30/8), ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương đã có những định hướng cũng như triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.

Cụ thể, đã xây dựng được những phương pháp tính định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp; mô hình thu gom, tái chế; mô hình tái sản xuất, tái sử dụng đối với những mặt hàng, nguyên vật liệu trong một số lĩnh vực, ngành nghề… Trong lĩnh vực tiêu dùng, đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và thay đổi thói quen của người tiêu dùng tại các siêu thị, chợ đầu mối…

"Chúng tôi đẩy mạnh những vấn đề như tái chế, tái sử dụng cũng như thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Cụ thể trong hơn 2 năm qua chúng tôi đã áp dụng trong những hệ thống siêu thị, hệ thống chợ đầu mối nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tiêu dùng, sử dụng những túi nilon sử dụng một lần bằng những đồ vật sử dụng vật liệu có thể tái chế được như túi cói hay làm bằng những vật liệu khác", ông Cù Huy Quang chia sẻ.

Sản xuất, phân phối xanh là xu thế tất yếu

Ông Cù Huy Quang cho rằng, sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn nguồn nguyên vật liệu sơ cấp của chúng ta ngày càng cạn kiệt. 

“Việc các doanh nghiệp nhận thức được sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như phân phối xanh giúp họ tiếp cận được với những xu thế trên thế giới, đặc biệt là khu vực có những tiêu chuẩn nâng cao hơn”, ông Quang nhận định.

Tọa đàm "Sản xuất và phân phối xanh - Giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững" tổ chức sáng nay (30/8)

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Huân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacon (VITE), cũng cho rằng, sản xuất xanh, sạch hơn là xu hướng tất yếu và điều này sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp theo cả hai hình thức chủ động và bị động.

Ví dụ từ ngành than, ông Huân cho rằng, trong quá trình sản xuất, một phần các nguyên nhiên vật liệu có thể sẽ bị thải bỏ, song xu hướng sẽ chuyển đổi để làm sao các chất thải được đưa vào một dạng thành phẩm khác để kéo dài quá trình sản xuất.

Hơn nữa, trong quá trình triển khai sản xuất xanh, sạch hơn các doanh nghiệp sản xuất than có cơ hội được tiếp cận với công nghệ, phương pháp khai thác, chế biến hiện đại để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tiết kiệm năng lượng và từ đó góp phần bảo vệ môi trường một cách tốt hơn. Quan trọng hơn, sản xuất xanh, sạch hơn giúp tăng hiệu quả các dự án, nâng uy tín của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của các sản phẩm.

Sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng tất yếu

Còn theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng, Quản lý Bộ phận Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của MM Mega Market Việt Nam, người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ rất chủ động trong việc tìm kiếm những sản phẩm hay những dịch vụ bảo vệ môi trường bền vững. Đơn cử từ việc không lấy túi nilon khi đi mua hàng, hay chủ động lựa chọn những sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe và môi trường như dùng các hộp được làm từ bã mía, hoặc sữa chua ít đường hơn…

"Có thể thấy, xu hướng tiêu dùng xanh càng ngày càng mạnh mẽ hơn và nó tác động đến doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp phải có tư duy thay đổi, làm sao để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.

Còn về phía doanh nghiệp, nếu có những cải tiến về sản phẩm, dịch vụ, thân thiện hơn với môi trường, những giải pháp mới và nếu có cách truyền tải những thông điệp, những ý nghĩa đó hiệu quả đến người tiêu dùng thì người tiêu dùng cũng có thể thay đổi lựa chọn, thay đổi hành vi tiêu dùng của họ. Chúng ta sẽ thấy tác động hai chiều giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp", bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng nhận định.