Sẵn sàng phương án PCCC rừng trong mùa nắng nóng

Ba Vì là một trong những huyện có diện tích rừng lớn nhất của thành phố Hà Nội, nên công tác phòng, chống cháy rừng luôn được lực lượng PCCC&CNCH tại đây quan tâm, chú trọng.

Lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng tại xã Vân Hòa, huyện (Ba Vì)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đối với rừng Ba Vì là điểm tham quan, du lịch nên có hàng nghìn lượt du khách đến mỗi năm. Việc quản lý, tuyên truyền phòng cháy rừng đến người dân sở tại đã là khó khăn lớn, nhưng với du khách thập phương còn là câu chuyện khó hơn nhiều.

Có thể ai đó vô ý vứt tàn thuốc ra thảm cỏ khô, lá rừng, cũng có thể thiêu rụi cả cánh rừng rộng lớn.

Nhận thức được điều này, theo ông Nguyễn Thành Phương – Phó Giám đốc Khu du lịch Paragon Hill Ba Vì: “Chúng tôi đã chủ động xây dựng đội PCCC cơ sở được tập huấn thường xuyên, chủ động trang bị các thiết bị PCCC tại chỗ. Và đặc biệt, tuyên truyền tới cán bộ, nhân viên và khách du lịch nêu cao trách nhiệm trong công tác phòng chống cháy rừng là góp phần vào phát triển sinh thái”.

“Cháy rừng là một thảm họa, hủy hoại môi trường sinh thái, phá vỡ cảnh quan du lịch, làm thiệt hại vật chất cho xã hội”… đó là nội dung của những tấm bảng cảnh báo gắn ở bìa rừng, đường đi tại Vườn quốc gia Ba Vì và ai cũng nhìn thấy. Tuy nhiên, việc tuân thủ thực hiện lại phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân.

Ông Bạch Văn Hiền chủ rừng tại thôn Muồng Cháu, xã Vân Hòa, huyện (Ba Vì) cho biết, mấy năm qua, trên địa bàn huyện Ba Vì không có vụ cháy rừng lớn.

Nhưng mỗi khi xảy ra cháy rừng thì khó có thể đong đếm thiệt hại, bởi phương tiện chữa cháy tại chỗ hầu như rất thô sơ; biện pháp chữa cháy đơn giản, chủ yếu vẫn dùng cuốc, xẻng phát thảm thực vật tránh cháy lan và dùng cành cây tươi để dập lửa...

Những vụ cháy rừng sẽ hủy hoại môi trường sinh thái, phá vỡ cảnh quan du lịch, làm thiệt hại vật chất cho xã hội

Theo đánh giá, tỷ lệ rừng ở huyện Ba Vì rất lớn, điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi cho nhiệm vụ chính trị quan trọng là bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái quốc gia nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, thời gian qua Công an huyện Ba Vì đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng cho các xã vùng đệm;

Đồng thời biên soạn các ấn phẩm, tờ rơi, sách giới thiệu, tuyên truyền bảo vệ rừng; tổ chức lễ phát động tuyên truyền phong trào chung tay bảo vệ môi trường; tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC và dân phòng các xã vùng đệm.

Đặc biệt, sau khi Nghị định 136/2020 của Chính phủ có hiệu lực, đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, trong đó có chủ rừng trong công tác tự kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, trong đó có chủ rừng trong công tác tự kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy (Ảnh: Báo Ninh Bình)

Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa (huyện Ba Vì), đối với các chủ rừng và các đơn vị liên quan, cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước và chỉ đạo của UBND các cấp, các sở, ngành liên quan về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác này…

Còn theo Trung tá Cao Nguyễn Song Phước – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Ba Vì (Hà Nội), ngay từ đầu năm, huyện Ba Vì cũng yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, các loại phương tiện, thiết bị phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng và thực hiện tốt phương án chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ.

Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, hướng dẫn nhân dân, chủ rừng xử lý thực bì, cắt giảm vật liệu cháy dưới tán rừng để quản lý và có phương án phòng chống cháy lan vào rừng. Khi xảy ra cháy rừng phải huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, kịp thời chữa cháy rừng.

Trung tá Cao Nguyễn Song Phước – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Ba Vì (Hà Nội)

“Để công tác phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả bền vững, mỗi người dân phải coi đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Đặc biệt, nêu cao trách nhiệm của lực lượng PCCC tại chỗ, dân phòng. Song song với đó, các cấp ủy, chính quyền xã, thôn phải vào cuộc và xử phạt nghiêm đối tượng gây ra cháy rừng… Có như vậy ‘lá phổi xanh’ mới được bảo vệ và phục vụ môi trường sống của chính chúng ta”, Trung tá Cao Nguyễn Song Phước cho biết thêm.

Với sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, sự chủ động của ngành chức năng trong việc thực hiện các phương án PCCC rừng trong mùa nắng nóng, lực lượng PCCC&CNCH Công an huyện Ba Vì đang nỗ lực để bảo vệ diện tích rừng hiện có, ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng xảy ra.