Sản phẩm giấy Dó tìm hướng đi trong xã hội hiện đại

Trong xã hội hiện đại, giấy Dó truyền thống đang bị lấn át bởi các loại giấy khác. Do đó, muốn giấy Dó được nhiều người sử dụng, cần làm tăng giá trị ứng dụng của nó.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Có mặt tại triển lãm Dó Việt – Xưa và nay đang diễn ra tại đình Kim Ngân (Hà Nội), nhiều du khách nước ngoài và Việt Nam say sưa ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật được vẽ trên giấy dó, một chất liệu vô cùng đặc biệt, có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc dòn gẫy, ẩm nát.

Nghề làm giấy Dó của người Việt ra đời từ rất lâu và cung cấp giấy cho nhiều nhu cầu khác nhau trong xã hội Việt xưa, như in ấn kinh sách, viết chữ Hán, Nôm và in tranh dân gian

Chị Thương Huyền, một khách tham quan, chia sẻ:

 

“Tôi thấy loại giấy dó này của nước mình vô cùng đặc biệt, không phải nước nào cũng có. Một chất liệu có đặc tính bền, đẹp như thế này cần được nhân rộng không chỉ trong mỹ thuật mà cả trong các lĩnh vực khác của đời sống nữa”.

Theo tìm hiểu, giấy dó là loại giấy được sản xuất từ vỏ những cây dó theo quy trình thủ công được truyền qua nhiều thế hệ ở một số làng nghề ở Việt Nam. Không chỉ được dùng để in ấn kinh sách, giấy dó truyền thống còn được ứng dụng trong văn hóa mà nổi bật là các dòng tranh dân gian như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, Kim Hoàng.

Điều thú vị là mặc dù những trang giấy dó rất mỏng manh, nhẹ xốp nhưng lại dẻo dai đến lạ kỳ, cũng bởi thế mà giá thành một bức tranh được vẽ trên giấy dó cũng đắt hơn nhiều so với những loại giấy thông thường khác, những vẫn rất được khách hàng ưa chuộng.

Giấy dó là loại giấy được sản xuất từ vỏ những cây dó theo quy trình thủ công được truyền qua nhiều thế hệ ở một số làng nghề ở Việt Nam
Những tác phẩm được vẽ trên giấy Dó

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên - người nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống chia sẻ:

 

“Trong những năm gần đây, tôi được tiếp xúc với những người nước ngoài, kể cả khách Việt Nam mình cũng hỏi là làm trên giấy gì. Tôi nói rất là tự hào là trên giấy dó. Tôi cho họ xem từ những phôi đầu tiên muốn thành một cái tranh như thế nào, phải qua quá trình bồi, biểu… thì họ rất thích”.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, giấy Dó truyền thống đang bị lấn át bởi các loại giấy khác. Hiện nay, rất khó để có thể tìm được một cửa hàng bán tranh vẽ trên giấy Dó.

Theo nghệ nhân Ngô Thu Huyền, một trong những người trẻ hiếm hoi của làng Dương Ổ, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh còn tiếp tục theo nghiệp làm giấy dó, đối với một nghề truyền thống thì không chỉ để dành cho việc trưng bày mà nó cần phải có giá trị ứng dụng vào đời sống cao. Ngày nay, sự ra đời của công nghệ in ấn, giấy công nghiệp ngày càng chiếm ưu thế, được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội bởi sự tiện lợi phù hợp với nhu cầu sử dụng. Do đó, muốn giấy Dó được nhiều người sử dụng, cần làm tăng giá trị ứng dụng của nó.

Chị Ngô Thu Huyền chia sẻ:

 

“Về giấy dó trên thị trường hiện nay thì nhu cầu sử dụng của mọi người cũng khác nhau. Ví dụ như dòng giấy để lưu trữ bảo quản thì phải có chất lượng rất tốt. Thứ hai là nếu muốn sử dụng dòng giấy thủ công thì cần phải có tính thẩm mỹ, ví dụ mình có thêm họa tiết khác nhau để tạo nên những tờ giấy có tính thẩm mỹ cao. Và mình cũng sản xuất thêm dòng giấy dành cho các bạn viết thư pháp phương Tây và vẽ màu nước. Vẫn là chất liệu giấy Dó nhưng phải có sự thay đổi để phù hợp với nhu cầu sử dụng”.

Muốn giấy Dó được nhiều người sử dụng, cần làm tăng giá trị ứng dụng của nó.

Mặc dù vậy, có một thực tế là hiện nay việc sản xuất giấy dó vẫn mang tính nhỏ lẻ địa phương, gặp khó khăn về nguyên liệu. Bên cạnh đó, về quy trình sản xuất giấy dó, nếu dùng máy để giảm chi phí thì chất lượng sản phẩm không thể như với sản xuất truyền thống bằng sức người. Ngược lại, nếu sản xuất thủ công thì chi phí tăng, giá cả tăng, khó đến với người tiêu dùng.

Do đó, Họa sĩ Mỹ thuật dân gian Nguyễn Mạnh Đức cho rằng để giấy Dó không bị mai một, chúng ta cần hỗ trợ về công nghệ,  tạo ra một thị trường rộng hơn cho những người sản xuất, thay vì chỉ đáp ứng nhu cầu cho một vài đối tượng như hiện nay, có như vậy những nghệ nhân mới có thể sống được với nghề.

 

 “Chúng ta cần phải có sự hỗ trợ cho những người sản xuất giấy dó. Có những nhà khoa học nghiên cứu chất liệu giấy dó và thậm chí chúng ta có thể tạo ra một công nghệ sản xuất thì lúc đó chúng ta mới có thể chinh phục được nhiều người”.

Bên cạnh việc ứng dụng vào mỹ thuật và lưu trữ những tài liệu có giá trị cao, một hướng đi mới mà những người sản xuất giấy Dó cần hướng đến là phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch hay ứng dụng rộng rãi trong đời sống như sổ sách, giấy vẽ, túi đựng đồ lưu niệm… Có như vậy, giấy dó mới có thể “hồi sinh” và tạo được sức sống mới trong xã hội hiện đại.