Sân bay Long Thành: Đền bù, tái định cư như thế nào để hợp lòng dân

Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành mà các phương án đều hợp lòng dân, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội là vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

 

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân tại khu vực sẽ triển khai xây dựng sân bay Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai đã tập trung nguồn lực thực hiện việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, sớm chi trả tiền cho người dân.

Hiện tỉnh đã thông báo thu hồi đất đối với 18 tổ chức và gần 5.300 hộ dân trong vùng bị giải tỏa, dự kiến cuối năm 2020 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.

Hiện công tác kiểm đếm, đền bù gặp nhiều khó khăn, khó hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch. Theo đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn Đồng Nai, dự án sân bay quốc tế Long Thành là công trình quốc gia, người dân có thể chia sẻ phần nào nhưng vẫn phải quan tâm đến lợi ích của người dân.

Việc giải phóng mặt bằng sẽ làm làm xáo trộn đời sống của người dân, làm sao để tái lập lại điều kiện sống của họ ít nhất theo đúng nguyên lý chung của luật pháp. Đây là bài toán rất khó do phải giải tỏa trên quy mô lớn với nhiều yếu tố tác động, thời gian chờ đợi quá dài càng nảy sinh phức tạp.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: “Mọi việc đã được tính toán nhưng trên thực tế vẫn chịu ràng buộc bởi thị trường và luật pháp và người dân có thỏa mãn hay không. Như tôi nói là quy trình thực hiện có bảo đảm cho mọi người bình đẳng công bằng hay không hay nó dẫn đến một thực tế rất nghịch lý là người mà nghiêm túc thì phải chịu thiệt thòi. Quan trọng nhất bây giờ là phải tập trung nguồn lực và nguồn lực triển khai đồng bộ, cùng với đó là phải ngăn chặn những hiện tượng lợi dụng chuyện này để đầu cơ đất và tất nhiên sẽ tác động vào tâm lý của người dân”.

Do tính chất phức tạp, Chính phủ đã tách một dự án riêng về giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư hỗ trợ cho người dân với số tiền đền bù lên đến 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đất đai khu vực này thuộc sở hữu nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm cả đất không thuộc sở hữu người dân. Do đó, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến việc nhiều người lợi dụng mở rộng thêm diện tích và ký khống các văn bản để nhận tiền bồi thường và điều này là hết sức nguy hiểm, khó giải quyết tranh chấp.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre nêu ý kiến: “Tôi nói rằng đây là một trong những khó khăn rất lớn. Nó đòi hỏi cán bộ nó phải có sự có cái ta gọi là chuyên môn cao. Thứ hai là hết sức quan tâm và phải có sự tham gia rất nhiệt tình và có trách nhiệm của người dân và sự giám sát của báo chí của các cơ quan truyền thông qua. Nếu không thì nó dẫn đến chỗ này một mình một ngựa đến chỗ đầu nó nảy sinh rất nhiều tranh chấp mà bản thân tôi khi phát biểu vấn đề này trước đây thuộc đã nói rồi cũng cần phải tăng cường thêm năng lực giải quyết các tranh chấp lao động cho tòa án của huyện Long Thành mà thậm chí phải đón lõng các vấn đề mà giải quyết tranh chấp”.

>>> Việc đo đạc, giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành đang gặp khó 

>>> Thủ tướng yêu cầu chặn tuyệt đối đầu cơ đất quanh sân bay Long Thành