Sách giáo khoa nay sửa, mai thay, chống lãng phí kiểu gì?

Yêu cầu không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách sử dụng lại lâu bền là nội dung trong chỉ thị mới đây của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, liệu đây có phải là giải pháp hiệu quả để tránh lãng phí sách giáo khoa khi thực tế việc lãng phí là do sách giáo khoa được dùng ở mỗi trường một khác.

Vậy, cần làm gì để tránh sự lãng phí khi hàng chục nghìn cuốn sách dùng một năm rồi bỏ phí? Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội về vấn đề này. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

PV: Quan điểm của bà thế nào về các giải pháp để sử dụng lại, tránh lãng phí sách giáo khoa?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Nếu muốn học sinh không viết vào sách giáo khoa thì phải bắt đầu từ khâu biên soạn sách, thiết kế sách giáo khoa như thế nào để học sinh không có chỗ viết vào.

Cái này tôi thấy Bộ GD&ĐT đã rút được kinh nghiệm vì trước đây có nhiều quyển sách in như quyển vở chứ không phải quyển sách, chỉ in đề bài và để phần trống cho học sinh viết luôn vào.

Sách giáo khoa nhưng lại mang tính chất là một quyển vở làm bài tập, giáo viên chấm điểm thẳng vào quyển sách nên không thể dùng lại cho khóa sau, rất lãng phí.

Sau khi dư luận lên tiếng thì những bộ sách giáo khoa mới đã khắc phục được điều này.

Nhưng khi chúng ta đã thiết kế sách giáo khoa không để học sinh viết vào thì phải làm sao để sử dụng sách giáo khoa tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn.

Bộ GD&ĐT phải nghiên cứu có bộ sách giáo khoa tương đối ổn định và có tính chất dài lâu, còn nếu chúng ta cứ hôm nay sửa, ngày mai thay thì các em có muốn cũng không sử dụng lại được.

Sách giáo khoa cần có sự ổn định để thế hệ trước và thế hệ sau có thể cùng sử dụng sách được.

Bộ GTĐT yêu cầu không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách sử dụng lại lâu bền (Ảnh nh họa)

PV: Bà còn có thêm đề xuất gì để nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Chúng ta nên có thư viện sách giáo khoa dùng chung và khuyến khích các em khi không dùng sách giáo khoa nữa thì tặng lại thư viện của trường học hoặc địa phương.

Từ thư viện đó, những em nào có nhu cầu mà chưa có điều kiện mua sách giáo khoa mới sẽ được tặng hoặc được mượn thì rất là hữu ích.

Nên tuyên truyền để học sinh có phong trào gìn giữ sách vở, không ngần ngại khi sử dụng lại sách giáo khoa.

Các trường ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì Nhà nước nên trang bị thư viện sách giáo khoa dùng chung để bớt đi gánh nặng cho các gia đình.

Khi các em đến trường thì được mượn sách, hết năm học thì hoàn trả lại và tiếp tục được sử dụng cho thế hệ sau.

PV: Xin cảm ơn bà!