Rộn ràng vụ Tết tại vùng đất nhiều đặc sản bậc nhất Hà thành

Những ngày này, không khí tại nhiều làng nghề truyền thống đã rất rộn ràng. Nhà nhà chuẩn bị nguyên liệu cho những món đặc sản ngày Tết. Một trong số đó là vùng đất Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, nơi quy tụ 3 ngôi làng cổ với 3 nghề gia truyền lừng danh

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Bà Công Thị Mão cùng người nhà chuẩn bị các nguyên liệu làm xôi Phú Thượng phục vụ Tết

Khoảnh sân trước nhà bà Công Thị Mão vào lúc này đang trở thành điểm nhộn nhịp nhất của làng Gạ (Phú Gia), quê hương món xôi Phú Thượng thơm dẻo trứ danh Hà thành. Người tuốt lá dong lấy từ Sơn Tây, người ninh ngô lấy từ Lạng Sơn, người xếp các bao gạo nhung, nếp cái hoa vàng lấy từ Bắc Ninh, Nam Định, người phi hành, làm lạc, làm đỗ - tất thảy đều là những loại đầu bảng, được tuyển lựa kỹ càng. Nhà bà Mão là điểm cung cấp nguyên liệu cho các hộ làm xôi truyền thống, sản xuất ngày nào tiêu thụ hết ngày ấy.

“Ngày thường người ta bán một nửa, nhưng ngày ông Công ông Táo thì gấp đôi gấp ba lên. Ví dụ xôi gấc đi được 10-15 cân/ngày thì đến ngày Tết phải 30-40 cân, nhà nhiều người thì có khi đi được 1 tạ”

Theo bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, nhà nào trong làng cũng đã trữ cả tấn gạo để phục vụ mùa Tết. Bà Loan tự hào khi nói về việc xôi Phú Thượng vẫn bán được đều, ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh: “Người ta có câu ví Làng Gạ có gốc cây đề, có sông tắm mát, có nghề nấu xôi. Nghề nấu xôi truyền thống cha ông để lại bao đời nay, xôi Phú Thượng có đặc sắc là để từ sáng đến chiều vẫn dẻo. Nhiều nhà, nhờ xôi mà nuôi con đi học đại học, vẫn xây được cửa được nhà, đều từ xôi đấy”.

Cũng vì nghề nấu xôi ngon nức tiếng đất kinh kỳ, nên đất Phú Thượng còn có một đặc sản khác là bánh chưng làng Bạc, nay là thôn Thượng Thụy, nằm sát thôn Phú Gia.

Gia đình ông Nguyễn Văn Bình kỳ vọng bán được 10 nghìn đến 15 nghìn bánh chưng làng Bạc trong dịp Tết Nhâm Dần

Ông Nguyễn Văn Bình, theo nghề gia truyền nhiều đời, cho biết: Bánh chưng làng Bạc được ví như “bánh chưng bạc, bánh chưng vàng” của Hà Nội, mức giá và chất lượng cũng cao hơn mặt bằng chung. Không chỉ các chợ Đồng Xuân, Hàng Da, chợ Hôm, nhiều cơ quan, đơn vị cũng đặt số lượng lớn bánh chưng làng Bạc vào dịp cận Tết. Dự kiến Tết Nhâm Dần, ông bán được khoảng 10 nghìn đến 15 nghìn chiếc.

“Bây giờ đỗ, gạo tôi lấy rồi. Lá dong thì qua rằm người ta chở về. Từ 18 Tết đổ đi là vào vụ chuẩn bị cho ông Công ông Táo. Sau đấy là chuẩn bị cho vụ Tết, nhiều cơ quan xí nghiệp cũng đặt để tặng cho anh em công nhân, quân đội mỗi người một cái. Người ta đặt của mình hết”, ông Bình nói.

Không nổi tiếng như xôi làng Gạ, bánh chưng làng Bạc, nhưng đào thất thốn Phú Xá (Phú Thượng) cũng được cho là không hề thua kém các làng đào Nhật Tân, Quảng Bá. Do đặc thù về nuôi trồng và chăm sóc, giá chơi Tết đào thất thốn dao động rất mạnh từ 4-5 triệu/gốc đến hàng trăm triệu/gốc.

Ông Công Nghĩa Tiến chăm sóc một gốc đào thất thốn đã được khách đặt từ đầu năm

Ông Công Nghĩa Tiến, một nghệ nhân trồng đào, chia sẻ, dù tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhưng các biện pháp phòng dịch của Chính phủ đã linh hoạt hơn nên tạo điều kiện cho việc lưu thông, giao thương. Ông kỳ vọng vào một mùa bội thu vào Tết năm nay: “Năm ngoái số lượng người đến bình thường, nhưng năm nay nhiều người từ Hải Phòng, Quảng Ninh đã đặt rồi. Có người đặt từ 20 Tết, có người đặt từ đầu năm. Còn thường thường, các cây đào đỏ, chúng tôi vẫn bán đến 30 Tết”.

Không khí các làng nghề truyền thống đang “ấm” dần lên theo nhu cầu tăng cao với các sản phẩm phục vụ Tết. Điều đó phần nào cho thấy, khi các biện pháp phòng dịch đi đúng hướng, vừa giúp dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, vừa tạo thuận lợi cho sinh kế của người dân, giúp thị trường khởi sắc sau một năm bị đình trệ vì dịch bệnh.