Ranh giới giữa nghệ thuật và vẽ bậy

Dù không thực sự phổ biến, song hiện tượng vẽ tranh theo phong cách đường phố (Graffiti) lên các công trình, phương tiện giao thông trái phép vẫn đang xảy ra rải rác và đang trở nên khá nhức nhối thời gian gần đây.

Điển hình là tại Tp.HCM, 2 toa tàu metro số 1 tập kết tại nhà ga bị xịt sơn, vẽ bậy chằng chịt đã khiến nhà thầu dự án mất khá nhiều thời gian và chi phí để khôi phục nguyên trạng, đồng thời tăng cường an ninh khu đề -pô.

Hay Thủ Thiêm 2 vừa khánh thành đã bị vẽ bậy, Sở GTVT Tp.HCM đã phải đề xuất sơn chống dính lên công trình trọng điểm mang tính biểu tượng này sau khi dùng thử 14 loại dung môi để xóa mà vẫn không sạch.

Trước đó, tình trạng tương tự cũng từng xảy ra tại tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, hay hầm chui Đại lộ Thăng Long ở Hà Nội.

Chưa bàn tới việc những bức tranh này xấu hay đẹp, tác giả có ý đồ tiêu cực hay không, nhưng việc áp đặt thẩm mỹ cá nhân vào hiện tượng công cộng khi chưa được phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Đáng lên án hơn cả thiệt hại về tài sản còn là việc thiếu ý thức tôn trọng và bảo vệ tài sản công, tự ý xâm nhập trái phép, gây mất an ninh, an toàn các khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt.

Vẫn biết các bạn trẻ luôn rất nhiều năng lượng, ý tưởng, song trong nhiều tình huống lại chưa phân biệt được ranh giới giữa nghệ thuật với vẽ bậy, giữa quy định và các giới hạn tự do, giữa sáng tạo với việc hủy hoại tài sản, dù ý định ban đầu có thể là tốt.

Khi được thể hiện đúng nơi, đúng thời điểm, vẽ tranh đường phố được rất nhiều người đón nhận. Những bức bích họa tạo nên hơi thở mới cho phố Phùng Hưng; “thồi hồn” cho các bốt điện khô cứng ở Hà Nội, hoặc tạo những điểm checkin rất dễ thương cho làng chài duyên hải Thanh Hóa, Quảng Nam, Khánh Hòa…

Trong bối cảnh đô thị chưa có nhiều không gian đủ lớn để thỏa mãn sáng tạo cho nghệ thuật đường phố như các bức tường ngăn tiếng ồn ở xa lộ, tường nhân tạo ở các công viên, thì người trẻ nên tìm hiểu để có những cách thỏa mãn nhu cầu sở thích cá nhân mà không gây xung đột hoặc làm tổn hại lợi ích cộng đồng.

Nếu chưa tự tin tham gia các dự án chính thống vẽ tranh quảng bá, cổ động, du lịch thì các tấm che tại những bức tường bỏ trống có thể là nơi bạn thử sức. Đừng quên mọi công trình công cộng là tài sản chung, muốn làm gì đều phải xin phép.

Việc lặp đi lặp lại các hành vi vẽ bậy lên công trình giao thông công cộng, cho dù là cá biệt, cũng sẽ làm suy giảm thiện cảm của người dân và mang tiếng “oan” cho cả cộng đồng vẽ tranh đường phố. Mỹ thuật hay bất cứ nghệ thuật nào, cũng chỉ đẹp khi đúng lúc, đúng chỗ./.