Rác trộn lẫn gây tắc nghẽn dòng, xử lý nước thải mới đạt 20%

Tại Hà Nội, tình trạng xả rác bừa bãi làm cho rác trộn lẫn vào dòng chảy, vừa tăng mức độ úng ngập, vừa làm cho công tác xử lý nước thải trở nên khó khăn. Điều đáng nói, thành phố gần 10 triệu dân nhưng công suất xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh mới chỉ đạ

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Dưới cái nắng như thiêu như đốt của ngày hè, các công nhân Công ty thoát nước Hà Nội vẫn ệt mà vớt rác, túi ni lông, cào bùn, vét chất thải rắn quanh các khu vực như Kim Liên, Trúc Bạch hay dọc sông Tô Lịch, để khơi thông dòng nước thải:

“Tất cả các cửa cống xả ra ngoài từ đường xuống thì các nhà tự làm các ống nhỏ xả ra sông. Thậm chí có ống xả thẳng trực tiếp rất nhiều chất bẩn, lượng nước xả ra sông tương đối lớn và nhiều nước thải có cả tạp chất, hóa chất, gây ô nhiễm và ảnh hưởng lòng sông”.

“Các nhà hàng đều xả thải thẳng xuống luôn. Nhìn thấy trực tiếp có màu nước trắng, lờ đờ, đục đục đổ dồn vào hàng ngày, tích tụ ở đấy thì chắc chắn sẽ gây ô nhiễm rất lớn”.

Nếu trước kia, cứ khoảng 6 tháng, đến 1 năm công nhân mới phải nạo vét cống ngầm 1 lần, thì vài năm trở lại đây, tần suất gần như liên tục.

Cứ hôm nào có mưa rào, kéo dài nhiều giờ là công nhân lại đội mưa để khơi thông dòng chảy, nếu không muốn đường phố bì bõm.

Rác nổi trên sông Tô Lịch. Ảnh: VOV

Theo tìm hiểu của phóng viên, Hà Nội hiện mới chỉ có 2 trạm xử lý nước thải tập trung đang hoạt động thí điểm tại Kim Liên và Yên Sở, còn lại là hàng loạt trạm hoạt động không hiệu quả, hoặc xây xong vẫn “án binh bất động”.

Điều đáng nói, trong tổng số 43 cụm công nghiệp đã hoạt động, có tới 19 cụm chưa có dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, 8 cụm có trạm nhưng chưa hoặc không hoạt động, một số cụm hoạt động không đạt chất lượng. Nhiều trạm không có hệ thống quan trắc nước thải tự động theo quy định.

Đơn cử, cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), hệ thống xử lý nước thải xây dựng từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn nằm "đắp chiếu".

Điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Hồ Điền, xã Liên Trung (huyện Đan Phượng), toàn bộ nước thải xả thẳng ra môi trường. Ngoài ra, còn có tình trạng các cơ sở sản xuất chấp hành đối phó trong ký cam kết bảo vệ môi trường, đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường nhưng không thực hiện.

Nhân viên môi trường đang vớt rác trên mặt sông Sét, đoạn qua chợ cóc tại ngõ 12/133 phố Phan Đình Giót. Ảnh: VnExpress

Tỷ lệ rác thải lẫn trong nước thải còn khá lớn, các đơn vị xử lý vẫn phải sàng lọc rác thô trước khi đưa vào xử lý. Trong khi, Hà Nội mới chỉ có 6 nhà máy xử lý nước thải, đáp ứng được hơn 20% nhu cầu.

Ông Trần Huy Hoàng, cán bộ thiết kế Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: “Công ty đang tận dụng để điều hành trạm xử lý nước thải tập trung lớn như trạm Kim Liên, Trúc Bạch, BTL – Vân Trì. Đã nghiên cứu ra module sản xuất trạm xử lý vừa và nhỏ, phục vụ cho các cụm công nghiệp, khu dân cư nhỏ, bệnh viện, từ đó áp dụng một số công nghệ mới đe cải thiện chất lượng nước thải sinh hoạt.

Còn bà Hà Thu Huyền, Trạm trưởng Trạm xử lý nước thải Kim Liên cho rằng: “Để đảm bảo quá trình xử lý nước thải được triệt để, chúng ta phải xây dựng hệ thống thu gom nước thải đồng bộ sau đó đưa vào các nhà máy xử lý nước thải tập trung để xử lý. Các nhà máy này sẽ quản lý nước thải đầu vào, đo kiểm chất lượng nước đầu ra để làm sao đạt các quy chuẩn VN sau đó mới thải ra môi trường”.

Được biết, sắp tới, Hà Nội sẽ đưa Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vào hoạt động với hi vọng tăng lượng thu gom và xử lý nước thải của Thủ đô lên hơn 50%.

Đây được coi là một trong các giải pháp cấp bách giúp Thành phố giải bài toán về xử lý nước thải, góp phần quan trọng cải thiện môi trường Thủ đô trong thời gian tới./.