Rác thải COVID-19, cần làm gì để ngăn chặn?

Rác thải của nhiều hộ gia đình có F0 không được thu gom riêng biệt mà lẫn vào trong rác thải sinh hoạt hàng ngày. Khi rác thải lây nhiễm không được xử lý đúng cách sẽ gây ra các tác động về môi trường và sức khoẻ con người.

Thu gom, xử lý rác thải chứa mầm bệnh Covid-19 tại TP.HCM (Ảnh: Thanh Niên)

Đường đi xử lý rác thải của các F0

Chung cư Việt Đức, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội hiện đang có 80 F0 điều trị tại nhà. Ban quản lý chung cư đã có hướng dẫn cư dân về việc phân loại, xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh đối với F0.

Anh Nguyễn Đình Luyện, thành viên Tổ Covid cộng đồng cho biết về cách hỗ trợ thu gom loại rác thải này: "Chung cư có 1 nhóm zalo của ban quản lý để hỗ trợ những người nhiễm COVID-19 đang ở nhà, những căn hộ đang có người nhiễm Covid tự buộc rác trong túi bóng kín, khử khuẩn cồn và để ra trước cửa; ban quản lý sẽ có người đi lấy và bỏ riêng vào thùng rác y tế của chung cư".

Chị Phạm Quế Anh, phụ trách công tác vệ sinh của Chung cư Việt Đức cho biết thêm, số lượng rác thải trong thời gian này tăng lên nhiều so với trước bởi có nhiều rác thải y tế như khẩu trang, kit xét nghiệm nhanh, tuy nhiên, những người làm vệ sinh vẫn cố gắng phân loại và thu gom riêng rác từ căn hộ có F0:

"Căn hộ có F0 bố trí 1 hộp chứa để trước cửa có nắp đậy, rác để ra sẽ thu theo giờ, căn hộ khử khuẩn lần 1 và bên vệ sinh chúng em khử khuẩn thêm 1 lần nữa và phân loại để riêng rác của F0 cho từng xe rác trước khi ép rác để kéo ra điểm thu gom rác".

Bắt đầu từ đợt dịch thứ 4 đến nay, về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại nhà đối với người nhiễm COVID, và việc thu gom rác thải Covid từ các hộ F0 do đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn phối hợp tổ Covid cộng đồng thực hiện thu gom.

Khi rác thải từ các điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà được đưa tới, đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý sẽ bố trí nhân lực, phương tiện riêng biệt để vận chuyển chất thải về khu xử lý.

Chuyên gia hóa chất Đỗ Thanh Bái cho biết về quy trình công nghệ xử lý rác thải nguy hại sau khi được thu gom: "Nếu chúng ta thu gom tốt thì phải phân lập rác thải nguy hại ra khỏi rác thải thông thường sau đó đưa vào lò đốt. Có hai phương pháp tiêu hủy chính là đốt và không đốt, hiện đốt rác thải y tế là phổ biến, là oxi hóa ở nhiệt độ cao để tiêu hủy những chất có thể cháy được thành khí thải".

Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Chi nhánh Hoàn Kiếm cho biết, việc thực hiện thu gom rác thải dịch bệnh đang gặp nhiều khó khăn:

"Khi lượng F0 tăng cao, khối lượng rác thải có nguy cơ lây nhiễm, rác lây nhiễm gia tăng như 50 tấn hay 100 tấn/ngày, rác lẫn lộn chưa phân loại. Điều này gây áp lực cho năng lực xử lý của đơn vị.

Nhiều hộ gia đình có F0 không được thu gom riêng biệt mà lẫn vào trong rác thải sinh hoạt hàng ngày. Khi rác thải lây nhiễm không được xử lý đúng cách sẽ gây ra các tác động về môi trường và sức khoẻ con người".

Ảnh: Thanh Niên

Kiến nghị để ngăn chặn nguy hại từ rác thải phát sinh trong đại dịch

Sự gia tăng chất thải y tế và việc quản lý, xử lý rác thải y tế không chặt chẽ sẽ gây ra mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. PGS.TS Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẳng định, quy định của Bộ Y tế và các địa phương về phương án về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly và điều trị tại nhà đối với người mắc COVID-19 đã rõ ràng, đầy đủ, nên vấn đề cần cải thiện là khâu tổ chức thực hiện:

"Chính quyền các địa phương phải bố trí nguồn nhân lực và trang thiết bị để thu gom loại rác này; tăng cường hơn nữa đội ngũ y tế cơ sở. Vấn đề nằm ở cách chúng ta ứng xử với rác thải như thế nào, phải đầu tư trang thiết bị và phương tiện để xử lý để đảm bảo rác thải này được thu gom và xử lý riêng, đồng thời trang bị thiết bị bảo hộ lao động cho những người làm công tác trực tiếp thu gom để tránh họ bị lây nhiễm".

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng nêu quan điểm, nếu như trước đây, rác thải y tế chỉ xuất hiện ở bệnh viện thì hiện nay, rác thải y tế từ đại dịch COVID-19 xuất hiện ở khắp mọi nơi. Do đó, cần có cách tiếp cận và xử lý hiệu quả hơn:

"Trước đây những người chuyên xử lý rác thải y tế đã có kiến thức nhưng hiện nay người dân nói chung chưa có kiến thức về rác thải nguy hại. Đây là vấn đề mới thì cần có các giải pháp mới, ví dụ cần quy định về thùng chứa rác, người thu gom riêng đối đối với rác thải y tế. Đề nghị có hướng dẫn thu gom cụ thể để tránh lây lan, rất nguy hiểm, đặc biệt với các Thành phố lớn".

Tuy không phải lực lượng tuyến đầu, nhưng những công nhân thu gom rác thải hiện rất vất vả với số lượng F0 tăng cao, họ thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với môi trường độc hại, vì thế, ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Chi nhánh Hoàn Kiếm kiến nghị về việc nâng cao hỗ trợ cho lực lượng này để tăng hiệu quả công việc:

"Ngoài lực lượng thu gom chuyên biệt, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng xem xét tạo điều kiện để lực lượng công nhân tham gia trong công tác thu gom hàng ngày gồm cả công nhân thu rác Covid và công nhân môi trường được hưởng các chế độ như tuyến đầu, được cấp phát bảo hộ y tế; Hỗ trợ các lần Test định kì trong thời gian làm việc".

UBND Thành phố Hà Nội mới đây cũng đưa ra giải pháp về việc tăng cường tuyên truyền để người dân nắm bắt và thực hiện quy trình, phương án phân loại, thu gom rác thải của các F0 nhằm tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Công an thành phố xử lý các trường hợp vi phạm trong việc thu gom rác thải của các F0.

----

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, quý thính giả có thể lắng nghe trao đổi giữa phóng viên VOVGT với các vị khách mời trong tọa đàm với chủ đề: Nguy cơ vấn nạn rác thải từ đại dịch, Việt Nam đang làm gì để ngăn chặn? Với sự tham gia của các vị khách mời: Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và GS.TS. Đặng Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.