Quy hoạch 2 bên sông Hồng, cần đảm bảo trữ nước và thoát lũ

Quy hoạch sông Hồng cần ưu tiên dành không gian cho nước, bảo đảm thoát lũ nhanh mùa nước, hạn chế phát triển đô thị, công trình xây dựng trên hành lang này, mới có thể giúp thành phố dễ dàng ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Ảnh nh họa. Nguồn: Tiền Phong

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng Sông Hồng. Bên cạnh đó, quy hoạch sông Hồng cũng được đề cập tại Quy hoạch Tài nguyên nước, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2024), Quy hoạch phân khu sông Hồng, nội dung này cũng đưa vào  Luật Thủ đô vừa mới thông qua tháng 6 vừa qua…

Tất cả các văn bản đó đều thống nhất phải phù hợp với Luật Đê Điều

Hiện nay, trong bản Quy hoạch Thủ Đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã xin ý kiến Quốc Hội và trình Chính phủ vẫn còn vẽ các đô thị, công viên đô thị, nông nghiệp đô thị vào các khu vực thoát lũ. Điều này là không phù hợp với quy định của Luật Đê điều, yêu cầu các công trình xây dựng mới trong khu vực hành lang thoát lũ bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy, không tôn cao bãi sông và chỉ dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng và các công trình được phép xây dựng ngoài bãi sông theo pháp luật Đê điều.

Qua cơn bão số 3 với nguy cơ lũ đầu tháng 9/2024 và có biểu hiện khô hạn, thiếu nguồn nước cho nhà máy nước sông sông Đà đầu tháng 10/2024 cho thấy vai trò trọng yếu của sông Hồng trong phòng chống lũ và khô hạn và chống xâm nhập mặn.

Do vậy, các quy hoạch cần khoanh vùng bảo vệ cụ thể, nghiêm ngặt, hạn chế bố trí phát triển, nhất là các ngành kinh tế, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở sản xuất nếu được xây dựng phải đầu tư hệ thống xử lý rác, nước thải, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.

Đặc biệt, cần ưu tiên hành lang bảo vệ an toàn đê điều. Trong đó, thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều, đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng để nâng cấp đê, không nâng cao các tuyến đê bối hiện có và không xây dựng đê bối mới. Cùng với đó, thành phố tăng cường quản lý, sử dụng bãi sông bảo đảm không gian thoát lũ; có biện pháp cụ thể đối với các khu vực dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông.

Đất đai ven sông Hồng, sông Đuống đặc biệt khu vực lòng sông trong đê (bao gồm bãi sông bãi nổi) trong Luật Thủ đô cần thống nhất và nhấn mạnh tuân thủ theo Luật Đê điều. Bởi lẽ Luật Đê điều bảo vệ Hà Nội an toàn khi lũ lớn trong suốt thế kỷ 20, đồng thời sẽ bảo đảm an ninh giữ nguồn nước sạch cho Hà Nội và cả vùng trong thế kỷ 21, và cả mai sau trước thảm họa khô hạn và ô nhiễm nguồn nước.

Trong thời gian gần đây, đất nước ta chịu nhiều tác động về biến đổi khí hậu và những tác động thay đổi nguồn nước liên quốc gia. Sông Hồng ngày càng ít nước, lòng sông biến dạng do khai thác cát tràn lan; nguồn nước cấp vào các sông trong thủy hệ Hà Nội kém dần, dẫn đến cạn dòng ngưng tụ ô nhiễm,  ảnh hưởng nặng nề đến các sông hồ khác của Hà Nội …

Khó khăn lớn nhất để thực thi Luật đê điều trong nhiều năm qua là đất định cư cho 0,3 triệu cư dân  ngoài đê thuộc địa phận Hà Nội nhưng Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh quy hoạch đã mở rộng rất nhiều đô thị mới (thành phố trong thành phố, Thành phố vệ tinh, thành phố Bắc sông Hồng) với khả năng tiếp nhận thêm hơn 3 triệu người, gấp 10 lần dân cư ngoài đê.

Do vậy, để đảm bảo đủ không gian định cư an toàn giá trị cho bà con thì trong quy hoạch sông Hồng cần khôi phục không gian thoát lũ và trữ nước trong  đê sông Hồng và thủy hệ Hà Nội. Có như vậy, thành phố Hà Nội mới có để an toàn trước bão lũ, đảm bảo an ninh nguồn nước cũng như thích ứng với các thách thức của biến đổi khí hậu.