Quy định sinh viên được chuyển ngành, chuyển trường: Thực hiện thế nào?

Bộ GD&ĐT cho phép sinh viên được chuyển ngành, chuyển nơi học, chuyển cơ sở đào tạo, thậm chí chuyển hình thức học nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Điều này được cho là có lợi nhiều cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên phát triển năng lực

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Theo kết quả khảo sát của của Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ.

Có đến 75,6% sinh viên cho biết, họ ít thỏa mãn với nghề đã chọn, vào học mới biết không hợp; hay 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau...

Mặc dù con số thống kê vừa nêu là chưa đầy đủ, nhưng có một thực tế là có không ít sinh viên lựa chọn ngành nghề theo cảm tính, theo xu hướng. Nhiều trường hợp không tìm thấy niềm đam mê trong học tập, dẫn đến chất lượng học tập không đảm bảo, thậm chí đã bỏ dở Đại học giữa chừng…

Khảo sát cho thấy có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học. Ảnh nh họa

Trước thực tế này, Quy chế tuyển sinh 2021, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh nếu thấy sự lựa chọn của mình chưa hợp lý sẽ được chuyển trường, chuyển ngành học. Các cơ sở đào tạo được công nhận lẫn nhau về quy trình đào tạo, nội dung đào tạo và giá trị của tín chỉ. Trên cơ sở đó, sinh viên có thể đăng ký học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác nếu được hiệu trưởng của hai cơ sở đồng ý với số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy tại cơ sở đào tạo khác không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.

Chia sẻ về những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh năm nay, Nguyễn Hải Anh (Sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tỏ ra khá vui mừng và rất ủng hộ: “Quy chế mới này có điểm lợi cho sinh viên, nhiều khi học một năm rồi thì mình mới nhận ra là có đam mê với ngành khác, trong quá trình học mình cảm thấy không phù hợp. Mình thấy quy chế mới có thể tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều lựa chọn hơn”

Còn chị Nguyễn Thu Hương (Q. Hà Đông, Hà Nội) lại tỏ ra khá băn khoăn: “Trước khi thi ĐH, các cháu đã có 3 lần để chuyển nguyện vọng. Như vậy, nếu thay đổi như thế này thì tôi cảm thấy không tạo sự nghiêm túc cho các cháu trong việc lựa chọn ngành nghề.

Đang học ở bên trường này đến năm thứ 2, thứ 3 nếu chuyển sang trường mới thì các cháu có theo được ngành nghề mới hay không. Sang trường mới mà chỉ còn 1-2 năm là tốt nghiệp thì tôi nghĩ là không đủ thời gian để đảm bảo được chất lượng học của các cháu”

Quy chế mới lần đầu tiên đưa hoạt động “trao đổi sinh viên” vào quy định

Liên quan đến vấn đề này, GS. TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ tịch Hội đồng khoa học đào tạo, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá: “Việc đưa ra những quy định về chuyển ngành, chuyển nơi học, chuyển cơ sở đào tạo hay hình thức học là một quy định rất nhân văn, hướng tới quyền lợi của người học.

Và đặc biệt, quy định này cũng khá mở khi đã phân cấp, phân quyền cho người lãnh đạo của các cơ sở đào tạo. Bởi vì nó phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận của đơn vị đào tạo. Ngoài những quy định, điều kiện đối với sinh viên rất cụ thể, thì quy định cũng cho nhà quản lý quyền tự chủ”

Đồng quan điểm, song, TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, các cán bộ quản lý, cán bộ giáo dục cũng như nhà trường cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp cho người học có được môi trường học tập tốt nhất:

“Thứ nhất, nhà trường phải công bố công khai các cơ chế để cho học sinh chuyển đổi, đồng thời xét chọn hết sức công khai, nh bạch. Nhà trường cũng phải tư vấn cho người học về  khả năng học tập của các em. Tất cả những điều kiện về đi lại, ăn ở, chuyển từ trường này sang trường khác. Tuyệt đối không được gây khó khăn cho người học”

Bên cạnh đó, TS Hoàng Ngọc Vinh cũng lưu ý: “Tín chỉ là quy đổi lượng học tập, tuy nhiên, chất lượng dịch vụ cũng như điều kiện đảm bảo chất lượng của tín chỉ như thế nào, có tương xứng hay không thì phải nghiên cứu rất kỹ chỗ này. Cũng phải có hạn chế, không có lại dẫn đến hiện tượng sinh viên ồ ạt chuyển sang một trường nào đó rất đông,  tạo ra sự cạnh tranh”.