Vậy, với những đồ ăn, thức uống đường phố khác thì sao? Cơ chế, nguồn lực nào để có thể kiểm soát hết chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?
Chợ Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội hiện có hàng chục cửa hàng, địa điểm bán hoa quả theo nhiều quy mô khác nhau, nhưng chiếm số lượng lớn là những sạp, hàng rong bán trên vỉa hè.
Theo mục tiêu của đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây tự phát không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị thì những nơi này sẽ không còn tồn tại.
Bởi hầu hết hàng hóa tại đây đều lấy từ các chợ đầu mối và không đơn vị phân phối nào ở chợ đấu mối có giấy xác nhận nguồn gốc, xuất xử hoa quả. Bởi thế, các tiểu thương không khỏi lo lắng:
“Nếu Nhà nước quản lý hàng hóa không cho bán rong, hàng bán trôi nổi mà có xuất xứ thì nói chung là những sạp hàng, những người bán rong sẽ khó khăn, vì đó là công việc làm ăn”.
“Các hoa quả này nguồn gốc từ Trung Quốc thì phải kiểm tra trên tận Lạng Sơn chứ về đây phân đi các nơi, mỗi người mua một ít rồi thì rất khó”.
“Sẽ khó khăn trong việc xin cấp phép, rất nhiều thủ tục hành chính còn nhiều bất cập”.
Trong khi đó, chủ các cửa hàng trái cây đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho biết, họ không bị tác động nhiều và ủng hộ chủ trương của Thành phố:
“Ủng hộ các cơ quan chức năng kiểm soát hoa quả. Hàng rong thì không thể đảm bảo được đâu, người dân người ta cứ tiện người ta mua thôi. Thứ nhất là không biết nguồn gốc xuất xứ, thứ hai là tiện thì mua mà lại rẻ hơn trong cửa hàng của chị”.
“Tôi cũng nhất trí thôi vì mình muốn giữ khách hàng lâu dài thì trái cây phải có nguồn gốc xuất xứ, phải có phương tiện bảo quản tốt thì mình mới duy trì được”.
Không chỉ với mặt hàng hoa quả, đang có một khoảng cách lớn trong công tác quản lý giữa các mặt hàng được bán trong siêu thị, cửa hàng lớn với các đồ ăn, thức uống được bán ở vỉa hè, ở chợ tạm, chợ cóc hoặc bán qua hình thức online.
Cùng trên một địa bàn, nhưng công tác kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm được tiến hành thường xuyên với các siêu thị, cửa hàng lớn, trong khi công tác này gặp khó với hàng rong, vỉa hè.
Trước thực tế này, chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành cho rằng, chúng ta cần tập trung kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ nguồn:
“Quy định này có lý với điều kiện kinh doanh lớn, kiểm soát hàng này phải ở những đầu mối, những công ty nhập khẩu; chúng ta cần kiểm soát, đánh từ đầu nguồn chứ không phải bắt ở ngọn cây”.
Theo bà Vũ Thị Hậu, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, đây không phải lần đầu tiên, Hà Nội triển khai Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, mà ở những lần thực hiện trước đây, vi phạm về an toàn thực phẩm có giảm nhưng không triệt để bởi nó liên quan đến sinh kế của một bộ phận người dân. Do đó, quan điểm của bà Hậu là cần các bên ủng hộ và tham gia kế hoạch này:
“Để thực hiện được kế hoạch này phải có được sự đồng tình của cả người bán và người mua, chứ không phải chỉ từ phía từ cơ quan quản lý Nhà nước. Người bán phải ý thức được việc chỉ bán những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ giấy tờ pháp lý chứng nh đó là nguồn thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn; còn ở phía người mua chỉ nên mua ở những cửa hàng uy tín, có thương hiệu, có đầy đủ giấy tờ pháp lý. Có như vậy kế hoạch mới khả thi và đi vào thực hiện được”.
TS. Đặng Thị Thanh Quyên, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp nhận định, với sự hạn chế về nguồn lực, con người và trang thiết bị trong khi số lượng lớn các loại thực phẩm, thức ăn đường phố hiện đang rất lớn thì không thể kiểm soát tất cả. Mà giải pháp phù hợp và hiệu quả cho vấn đề này đến từ yếu tố con người:
“Các quy mô kinh doanh lớn nhỏ khác nhau, phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng. Để cho phù hợp thì không cần quá cứng nhắc trong việc hoa quả bán rong hay thức ăn đường phố phải có địa điểm. Tuy nhiên bắt buộc người bán hàng phải có kiến thức về việc bán mặt hàng gì, về cách bảo quản, sử dụng thực phẩm như thế nào. Chúng ta phải phân các cấp độ để có các loại hình kinh doanh đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”.
Mặc dù mục tiêu tăng cường quản lý nhằm xóa bỏ những điểm kinh doanh trái cây tự phát tại vỉa hè, lòng đường không đảm bảo an toàn thực phẩm có ý nghĩa lớn nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao sức khoẻ cho người dân.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, nếu chỉ dừng lại ở quy định với các cửa hàng kinh doanh mà không xem xét tới toàn bộ hệ thống an toàn thực phẩm từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến tiêu dùng thì không khác gì “Thả gà ra đuổi”
Không chỉ hoa quả mà một lượng lớn đồ ăn thức uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn đang bày bán, tiêu thụ trên thị trường; số lượng thực phẩm ở vỉa hè, hàng rong thậm chí còn chiếm tỷ lệ lớn.
Kể cả ở những cơ sở kinh doanh có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đi nữa thì cũng chỉ có ý nghĩa ở một thời điểm nhất định, còn sau đó, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, không chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn có thể được “tuồn” vào.
Vấn đề “gốc rễ” là truy xuất nguồn gốc thực phẩm cũng đang gặp nhiều thách thức; việc thu hồi, xử lý thực phẩm không an toàn thực hiện chưa nghiêm; quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ của sản phẩm.
Do đó, nếu chỉ mở những đợt cao điểm hoặc kế hoạch tập trung vào những đợt hay tháng cao điểm thì chưa đủ để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này. Và hầu như, sau các đợt cao điểm thì những vi phạm về an toàn thực phẩm lại tái diễn.
Các đề án, kế hoạch triển khai với đối tượng là cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, vì thế, có lẽ chỉ giải quyết phần ngọn mà chưa giải quyết từ gốc. Mà để kiểm soát tốt từ gốc, phải đảm bảo được thực phẩm chất lượng từ nguồn, chứ không thể quản lý theo kiểu "thả gà ra đuổi".
Khi xác định kiểm soát nguồn gốc thực phẩm là khâu then chốt để bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ đòi hỏi có những chế tài mạnh hơn nữa; có giải pháp quyết liệt hơn để kiểm soát chặt chẽ. Đối với hàng nhập khẩu phải kiểm soát tại các cửa khẩu, còn tại thị trường nội địa thì phải kiểm soát được hàng hóa nhập vào các chợ đầu mối trước khi hàng hóa cung ứng ra thị trường.
Trong đó, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, các điểm trung chuyển hàng hóa, kho hàng, các giao dịch thương mại điện tử chào bán, quảng cáo thực phẩm để kịp thời phát hiện, kiểm tra việc chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, việc thực hiện các quy định về công bố sản phẩm, về tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, việc quảng cáo thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu sử dụng để sản xuất thực phẩm; việc sử dụng phụ gia, phẩm màu trong chế biến thực phẩm và các quy định.
Cùng với đó, phải nâng trách nhiệm của nhà sản xuất thông qua việc tăng truy xuất nguồn gốc, bởi truy kỹ giúp dễ quản lý, kiểm soát, dễ thu hồi sản phẩm khi cần. Các công tác này cần gắn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm và quy trình sản xuất trước khi đưa sản phẩm ra thị trường để từ đó có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn.
Với các trường hợp vi phạm cũng cần hình thức xử phạt một cách nghiêm khắc hơn để đủ sức răn đe, không để tái diễn, có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Song song đó, các đơn vị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc và các thông tin cơ bản về sản phẩm. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý an toàn thực phẩm, nhanh chóng ứng dụng nền tảng công nghệ số, mã vạch… sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm.
Với tính chất và tầm quan trọng của công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cần sớm xem xét quy định mô hình quản lý an toàn thực phẩm tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo thống nhất đầu mối, hiệu quả trong công tác này; khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay; đồng thời nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm; tránh tình trạng trách nhiệm thuộc về tất cả nhưng cuối cùng không thuộc về ai.