Quá nhiều “sân chơi” phải tham gia, thầy trò đều oải

Hiện nay, có rất nhiều cuộc thi trên các ứng dụng (app) tới mức "bội thực" được triển khai về các trường, chủ yếu ở khối tiểu học.

Điều đáng nói là các app này đều được phổ biến với tinh thần tự nguyện nhưng khi triển khai lại có dấu hiệu bắt buộc, bị thúc ép tham gia khiến cho cả phụ huynh và học sinh đều cảm thấy áp lực và băn khoăn. 

 

Chị Nguyễn Thùy Linh ở Hoàng Mai, Hà Nội có 2 con đang học tiểu học phải thốt lên, có lẽ chưa bao giờ chị thấy có quá nhiều các cuộc thi cho con trẻ như bây giờ, nhiều chương trình, nhiều ứng dụng (app) đến nỗi chị không nhớ hết được tên.

Gần đây nhất chị Linh hướng dẫn cho con thi trên app "Trạng nguyên Tiếng Việt" nhưng rất thất vọng vì thường xuyên gặp lỗi:

"Cô giáo phổ biến có thể tham gia hoặc không nhưng thấy các phụ huynh khác cho con tham gia nên mình cho con tham gia. Khi tham gia thì mới thấy số lượng các cuộc thi thì nhiều mà chất lượng bài tập không có gì đặc biệt, hạ tầng phần mềm còn lỗi, đến giờ thi mà con vào mãi vẫn không được, thi xong thì lỗi kết quả".

Một giáo viên tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, không chỉ phụ huynh và học sinh vất vả chuẩn bị ôn luyện cho các cuộc thi này mà các giáo viên cũng cảm thấy "bội thực" với vô vàn áp lực:

"Học sinh tham gia vào cuộc thi như thế sẽ được va chạm, trải nghiệm nhiều dạng bài nhưng không phải là tài liệu bắt buộc nên cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai, có phụ huynh thì ủng hộ, có phụ huynh thì không hào hứng cho là lãng phí, như thế thời gian cho các con dùng máy sẽ nhiều".

Ảnh nh họa: Trạng Nguyên Tiếng VIệt

Trước đó, đã có nhiều giáo viên kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm tải các cuộc thi không cần thiết, gây tốn kém, vất vả cho giáo viên, học sinh để giáo viên tập trung nhiều hơn cho chuyên môn dạy học.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đã có văn bản số 5814 từ năm 2017, quy định danh mục các cuộc thi trong nhà trường. Theo văn bản này, các ứng dụng hiện đang sử dụng cho cấp tiểu học hiện nay như Sanchoikns, Vioedu, Trạng nguyên tiếng việt...đều không  thuộc danh mục các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Bàn về các cuộc thi trên app, anh Nguyễn Minh, Cố vấn giáo dục của MindX bày tỏ băn khoăn, liệu sự nở rộ của nó có đi ngược lại mục tiêu mà chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới là phát triển năng lực cho học sinh. Bởi các app với các câu hỏi thi mẹo rất khó giúp phát triển tư duy và chưa có bằng chứng nào về hiệu quả từ các ứng dụng này:

"Loại hình giáo dục qua app dù rất tốt về mặt chuyển đổi số trong giáo dục nhưng nó đặt ra một câu hỏi nghiêm trọng là chúng ta liệu có thể thật sự phát triển năng lực cho học sinh tiểu học bằng việc làm hết bài tập trắc nghiệm này đến bài khác hay không. Khi mà sự phát triển của học sinh tiểu học phải gắn liền với sự tương tác đời sống mà việc các em cứ gắn mình với điện thoại như thế thì khó lòng đạt được mục tiêu phát triển con người như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu".

Để các cuộc thi trên app tổ chức hiệu quả, thiết thực; các chuyên gia giáo dục kiến nghị, việc đầu tiên phải chứng nh được là học thông qua ứng dụng giúp phát triển năng lực toàn diện cho học sinh, chứ không chỉ phát triển về năng lực kỹ thuật số.

Thứ 2 là các app cần nhận được sự công nhận chính thống về chuyên môn giáo dục, tốt nhất là đến từ Bộ Giáo dục và đào tạo và các cơ sở có chuyên môn giáo dục.

Chuyên gia giáo dục - TS Vũ Việt Anh khẳng định, rất cần quan tâm đến chất lượng nội dung của các app đang được triển khai trong nhà trường hiện nay:

"Các nội dung do không nhất quán, không bám sát các chương trình của chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lại chưa có cơ quan nào giám sát các nội dung trên app xem có đảm bảo chất lượng hay không. Mà các cuộc thi nhiều quá, dày đặc quá thì nó làm cho học sinh mất thời gian; nhiều app phải trả phí nên phụ huynh thêm những áp lực và đắn đo".

Mặt khác, từ việc các cuộc thi trên app không thuộc hệ thống các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông của Bộ Giáo dục và đào tạo thì từ cấp Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương cũng cần quán triệt, phổ biến tới các nhà trường để tránh thi đua thành tích không đáng có, tránh áp chỉ tiêu để tạo áp lực cho cả giáo viên, phụ huynh và  học sinh.

Ngoài ra, danh mục các cuộc thi với tinh thần tự nguyện cần được công bố rõ ràng, quyền không tham gia cần được tôn trọng để các cuộc thi trên app tự nguyện thực sự có... sự tự nguyện.