Phụ huynh tìm giải pháp trông trẻ khi trường học đóng cửa

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, TP. Hà Nội tạm thời cho học sinh các cấp nghỉ học để phòng dịch. Và cũng như đợt dịch năm ngoái, các bậc phụ huynh lại bước vào giai đoạn khó khăn, vừa phải đảm bảo công việc, vừa tìm giải pháp trông con nhỏ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Các trường học đóng cửa vì dịch Covid 19 khiến phụ huynh lao đao tìm giải pháp trông con (ảnh nh họa)

So với đợt dịch COVID-19 năm 2020, gia đình chị Nguyễn Thúy Minh đã có thành viên mới, ngoài một bé học mầm non, còn thêm một bé 5 tháng tuổi. Do đã có kinh nghiệm, nên chị Minh chủ động hơn trước thông báo tạm thời đóng cửa trường học từ nhà chức trách.

Thay vì nhờ ông bà ngoại, 2 vợ chồng chị đã cùng với gia đình chị gái lên thời gian biểu cụ thể để thay phiên nhau trông 3 đứa trẻ, vừa đảm bảo an toàn, lại không bị gián đoạn công việc.

“Cũng may mắn là thời gian của chúng tôi có thể linh động nên sắp xếp được để ở nhà nhiều hơn. Hai vợ chồng gửi đứa bé cho ông bà rồi, nhưng ông bà cũng lớn tuổi nên hãn hữu lắm chúng tôi mới nhờ, vì cũng bất tiện cho ông bà”, chị Minh cho biết.

Dù vậy, không phải gia đình nào cũng chu toàn được cả công việc lẫn trông trẻ. Những ngày này, trên nhiều hội nhóm mạng xã hội, lượng bài viết tìm giáo viên mầm non trông trẻ tại nhà tăng đột biến. Ở phía ngược lại, các giáo viên cũng có nhu cầu tìm việc làm thêm để cải thiện thu nhập trong thời gian nghỉ làm.

Chị Hoàng Lan, một giáo viên mầm non ở quận Cầu Giấy chia sẻ: “Bình thường em trông một bé ở lớp em 250-270 nghìn, trông từ sáng đến chiều. Nếu đưa đến nhà em thì 250 nghìn. Em sẽ cho con ăn ngày 3 bữa. Em chỉ nhận một bạn thôi, hôm trước một nhà nhờ trông 4 bạn nhưng em không trông”

Anh Đỗ Mạnh Cường, quản trị viên một group hơn 55 nghìn thành viên, chủ yếu là phụ huynh, giáo viên mầm non cho biết: anh từng phải viết bài cảnh báo hiện tượng có người gom lớp lập nhóm trông trẻ, vi phạm quy định phòng dịch; hoặc làm thế nào để tránh rủi ro khi thuê một người lạ trông con em mình: “Đối với một số người đã trải qua việc thuê này rồi họ chia sẻ rằng, thứ nhất phải kiểm tra giấy tờ rất kỹ, thứ hai cần xác nh thông tin như nơi làm việc qua điện thoại, thứ ba là phải ký hợp đồng rõ ràng, thứ tư là lắp camera trong nhà để quản lý lúc không ai ở nhà ngoài con và cô giáo đó”

Chuyên gia tâm lý, TS.Kim Quý cho rằng, bên cạnh việc chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng cho trẻ về kỳ nghỉ kéo dài phía trước, các bậc phụ huynh cũng phải gặp trực tiếp và cảm nhận về người mình định thuê: “Trẻ con rất cần môi trường tương tác với nhau, bây giờ không có thì phải chuẩn bị tâm lý. Một điều nữa, cần cảnh giác với xâm hại trẻ em. Cái này đã từng xảy ra rồi. Ví dụ như đưa bé gái đến nhà họ thì con trai, chồng họ lại có thể trở thành đối tượng đi xâm hại. Đây là rủi ro, nguy cơ có thể có”.

Theo TS.Kim Quý, nếu không chắc chắn hoặc có kinh nghiệm, các bậc phụ huynh nên tìm đến các cô giáo ở trường của con để tìm được người hoặc được giới thiệu người phù hợp, có thể an tâm giao phó. Một giải pháp cũng đang được khá nhiều phụ huynh lựa chọn và được khuyến khích là phối hợp với một đến hai nhà hàng xóm, người thân để chia nhau ngày trông, vừa giúp tăng thời gian cho bố mẹ, vừa đảm bảo phòng dịch, lại tạo môi trường tương tác cho trẻ.

Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng cũng khuyến cáo: Phụ huynh và người trông trẻ phải tìm hiểu kỹ tiền sử dịch tễ của nhau, có kiến thức vệ sinh phòng dịch, đặc biệt không được cho các nhóm trẻ khác nhau tiếp xúc với nhau, không lập nhóm trông trẻ tự phát dưới mọi hình thức./.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: