Phụ huynh chật vật mua sách vở, đồ dùng học tập đầu năm học mới

Hôm nay hàng triệu học sinh trên cả nước chính thức bước vào năm học mới, nhưng rất nhiều em không thể chuẩn bị kịp sách vở, đồ dùng học tập, do địa phương vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 kéo dài.

Trong khi đó, một số kênh bán hàng online luôn trong tình trạng quá tải, chậm giao hàng. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, hiệu sách, cửa hàng văn phòng phẩm đều đóng cửa (Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam)

Lệnh giãn cách xã hội bất ngờ và liên tục gia hạn, chị Lê Thị Loan, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chưa kịp chuẩn bị đồ dùng học tập cho con. Ngày khai giảng, bất đắc dĩ chị “đánh liều” tới khu vực phố sách ngó nghiêng, mua tạm cho các con, mà lén lút hồi hộp, như… đi trộm!

"Hiệu sách chính thống thì không thấy mở cửa, thế nhưng khu vực ở 42 Lý Thường Kiệt cửa hàng sách giáo khoa truyền thống từ ngày xưa vẫn đóng im ỉm. thế nhưng khi mình xuất hiện sẽ có các nhân tố nhao ra chào bán, sách gì cũng có nhưng mỗi tội giá trên trời, cũng không biết là sách thật hay giả, không mua thì con cháu không có cái học", chị Loan cho biết.

Mọi năm, gia đình chị Nguyễn Thị Thúy, ở quận Cầu Giấy thường không đăng kí mua sách tại trường, mà gần tới năm học sẽ đưa 2 con đến hiệu sách để chọn. Năm nay, đợi mãi chưa hết giãn cách, gần đến ngày khai giảng chị vội đặt mua online, nhưng đã hơn 10 ngày vẫn chưa nhận được hàng; 

"Đến lúc các con đi học vẫn thực hiện giãn cách nên không đi mua được sách rất là bất cập. Hiện tại không phải nhà nào cũng chuẩn bị cho con đầy đủ, có thể sử dụng sách cũ nhưng còn bút, vở và các đồ dùng học tập. Học online nhưng các con vẫn phải viết bài và làm bài nộp cho thầy cô".

Ngay cả với các gia đình đăng ký sách từ rất sớm, như Chị Hoàng Ánh Tuyết ở quận Đống Đa, đến nay sách vẫn chưa về:

"Nhà chị đăng kí từ lâu rồi, đúng vào đợt tháng tư nghỉ, đến gần khai giảng nhà trường mới quyết định hỏi phụ huynh xe có đồng ý chuyển phát nhanh không, tất cả phụ huynh đều đồng ý. Nhưng riêng chỗ nhà mình vướng bưu cục mắc F0, xong lại đến khu vực nhà mình gọi là vùng đỏ và đến hôm vừa rồi bưu cục lại nghỉ lễ, hẹn phụ huynh bây giờ mới bắt đầu chuyển".

Thiếu sách vở và đồ dùng học tập không chỉ khiến học sinh gặp khó mà còn gây áp lực lên các thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô trường khuyết tật, ngay cả khi đã có sách giáo khoa điện tử. Cô Nguyễn Thanh Tú, giáo viên Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: 

"Đối với học sinh khiếm thị các con phải dùng sách giáo khoa chữ nổi nên rất khó khăn. Các con không có vở ghi hàng ngày, không có bút. Nhiều lúc cô phải hướng dẫn các con tận dụng tất những trang vở cũ dùng tạm, ngoài ra thầy cô lúc nào cũng mở điện thoại, giải đáp tất cả mọi thắc mắc, tức là làm việc mọi lúc mọi nơi".

Còn đối với các cửa hàng văn phòng phẩm, nhiều khi biết học sinh rất cần mà chẳng thể làm sao. Ông Nguyễn Hùng Phi, chủ một cơ sở kinh doanh thiết bị trường học trên địa bàn Hà Nội đề xuất: 

"Ví dụ Hà Nội có nhiều quận huyện không viêc gì cả những vẫn quy định chung như thế, tự mình làm khó mình. Tùy khu vực mà cho phép các cơ sở bán sách giáo khoa hoạt động, để các cháu có cơ hội tiếp cận sớm với sách giáo khoa vào năm học mới".

Trước đó, trả lời VOV Giao thông, Đại diện Tổng cục Đường bộ VN cho biết quan điểm, SGK là mặt hàng được tạo điều kiện lưu thông. Trong khi đó, ông Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH khóa XIV,  Phó Trưởng ban Dân nguyện - Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, cả sách giáo khoa và đồ dùng học tập đều là mặt hàng không thể thiếu với hoạt động giáo dục, nên cần phải được ưu tiên phục vụ, và cần nghiên cứu hình thức cung ứng an toàn:

“Các cơ sở giáo dục tiếp nhận đề xuất của phụ huynh và học sinh lên danh mục các gói đồ dùng học tập, SGK sau đó chuyển cho các công ty thiết bị đồ dùng học tập. Nếu không thể mở cửa thì phải có hình thức cung ứng khác. Từng khu vực cần công bố cho bán ở điểm nào để người dân biết, và phải chấp hành các nguyên tắc ra sao để an toàn phòng dịch”.

---

Nghe thêm Nhật ký Đô thị trên Apple Podcast: