Phòng dịch thế nào khi nhiều người Việt trở về?

Hiện ngành y tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phòng chống dịch Covid 19 khi dịch bệnh này đã lan ra hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một trong những vấn đề mà người dân quan tâm hiện nay là liệu việc triển khai

Ảnh nh họa

Về vấn đề này, PV Kênh VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ – Bác sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương:

PV: Thưa Tiến sĩ Phạm Quang Thái, thời gian tới, số lượng công dân Việt Nam về nước dự báo sẽ tăng cao. Trước tình hình này, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung đang triển khai biện pháp gì để đảm bảo hiệu quả công tác xét nghiệm dịch Covid 19?

TS-BS Phạm Quang Thái: Hiện tại chúng tôi vẫn tuân thủ đúng khuyến cáo của Bộ Y tế. Những nước nào nằm trong vùng dịch thì đã có danh sách. Với công dân đi từ vùng dịch về, ví dụ vùng dịch bùng phát mạnh như là Vũ Hán, Hàn Quốc thì sẽ xếp vào khu cách ly tập trung bắt buộc. Những trường hợp đó sẽ được lấy mẫu xét nghiệm nếu họ có triệu chứng. 

Với những trường hợp không thuộc những vùng dịch đó, nhưng lại thuộc về những quốc gia đang có dịch thì được yêu cầu kiểm tra sức khỏe tại thời điểm nhập cảnh. Sau đó tùy từng trường hợp chúng tôi sẽ cân nhắc họ có thể cách ly tại nhà. Nhưng chỉ được cách ly tại nhà khi có sự cam kết chặt chẽ, và có sự khẳng định của phía tiếp nhận.

Những trường hợp như vậy, bất cứ khi nào, dù họ có triệu chứng gì là nhẹ nhất cũng sẽ được xét nghiệm để kiểm tra có bị nhiễm hay không. Đấy là cách giảm tải cho các khu cách ly, đồng thời đảm bảo chúng ta không bỏ sót.

PV: Vậy Việt Nam có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về xét nghiệm Covid 19 thời gian tới hay không?  

TS-BS Phạm Quang Thái: Chúng ta không ngại về số lượng mẫu hàng ngày phải xét nghiệm. Ở quy mô lớn hơn thì sẽ có nhiều hệ thống máy móc, nhiều trung tâm cùng tham gia xét nghiệm và trả kết quả. Nếu huy động tất cả các hệ thống có kỹ năng, khả năng để trả kết quả xét nghiệm là rất lớn. Kết quả thì nhanh, tùy vào độ cẩn trọng. Thường thì mất khoảng 10 tiếng rưỡi, bao gồm cả thời gian xử lý mẫu rồi mới đưa vào máy xét nghiệm.

Đấy là với trường hợp dương tính, còn trường hợp âm tính thì nhanh hơn. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại thì chúng tôi không lo ngại gì về khả năng ứng phó riêng với vấn đề xét nghiệm. 

PV: Thực tế cũng có một số ý kiến bày tỏ lo lắng về nguy cơ lây nhiễm khi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm dịch Covid 19. Về vấn đề này, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã có biện pháp gì để đảm bảo an toàn khi thực hiện quá trình lấy mẫu xét nghiệm?

TS-BS Phạm Quang Thái: Hiện tại mẫu xét nghiệm Covid 19 là lấy dịch họng, dịch tị hầu. Cách để lấy là yêu cầu bệnh nhân há ệng, rồi dùng tăm bông cho vào ngoáy. Khi làm động tác này thì đòi hỏi kỹ thuật viên phải có kỹ năng tốt trong việc lấy đúng điểm, tức nơi đào thải virus nhiều nhất.

Nếu lấy khác vị trí thì nguy cơ cao là không phát hiện virus. Hoặc là chọc vào các vị trí kích thích của người bệnh, gây ho hắt hơi thì sẽ phát tán virus ra ngoài, với phạm vi rộng.

Vì vậy, người lấy mẫu ngoài việc đảm bảo trang thiết bị đầy đủ và rất cẩn trọng, thì phải được tập huấn cực kỳ bài bản về công tác lấy mẫu. Về vấn đề này thì rất may mắn vì việc tập huấn về công tác lấy mẫu này là thường xuyên liên tục vì không phải chỉ có mỗi bệnh này.

Trước đây chúng tôi giám sát cúm và rất nhiều bệnh khác thì đều được tập huấn vấn đề này, thì đến thời điểm này là làm rất tốt và tất cả các tuyến đều làm được việc này. 

PV: Cảm ơn tiến sĩ Phạm Quang Thái đã chia sẻ với Kênh VOV Giao thông!