Phòng cháy, chữa cháy tại đô thị: Có cần quy định đặc thù?

Không chỉ gia tăng về số vụ lẫn mức độ thiệt hại, tình hình cháy, nổ tại đô thị được nhận định ngày càng có diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, công tác PCCC và xử phạt các vi phạm phòng cháy đều đang gặp khó do thiếu những quy định gắn với đặc thù đô thị. Điều này khiến lực lượng làm nhiệm vụ, chính quyền và người dân, doanh nghiệp đều lúng túng.

Vậy, các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM có cần có các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC riêng? Nếu có, thì phạm vi, lĩnh vực nào cần quy định đặc thù?

Diễn đàn 91 với chủ đề: Phòng cháy, chữa cháy tại đô thị: Có cần quy định đặc thù?, 16h - 17h thứ Bảy (28/10), trực tiếp trên VOV Giao thông FM91mhz và vovgiaothong.vn 

Với sự tham gia của các khách mời: Ông Bùi Xuân Thái - Trưởng ban Thông tin truyền thông - Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam và Thiếu tá Nguyễn Hùng Dũng, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07), Công an Tp. Hà Nội.

 

Nguy cơ hỏa hoạn tại đô thị: Mỗi nơi một nỗi lo

Hơn một tháng trôi qua nhưng vụ cháy chung cư ni ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội vẫn còn ám ảnh bà con lối xóm, trong đó có ông Trần Văn Sơn. Ông có nhiều băn khoăn về những biện pháp mà chính quyền sẽ triển khai để đảm bảo an toàn cho các khu dân cư: "Tôi rất lo lắng về việc quản lý trật tự đô thị, xây dựng. Khu nhà tôi đang ở hiện nay có nhiều nhà cao tầng trong ngõ nhỏ, không chỉ phường Khương Đình này mà còn rất nhiều chỗ khác nữa. Nếu xảy ra cháy thì không biết sẽ như thế nào".

Hiện trường vụ cháy tại ngôi nhà số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân vào đêm 12, rạng sáng 13/9.

Theo thống kê, địa bàn Hà Nội có khoảng 500.000 loại nhà dạng kiến trúc hình ống, trong đó, phần lớn nằm trong ngõ nhỏ, ngõ sâu, xe chữa cháy không tiếp cận được. Không chỉ có vậy, với những khu dân cư cũ, hệ thống cấp nước chữa cháy gần như không có, hoặc đã xuống cấp, không sử dụng được.

Tương tự, nguy cơ “bà hỏa” ghé qua cũng hiện hữu với các khu tập thể, chung cư cũ, nơi phổ biến tình trạng cơi nới diện tích và lắp đặt “chuồng cọp” không lối thoát:

"Nhà tập thể bao giờ cũng chỉ có một cửa thôi. Nếu không có cửa thoát đằng sau thì chắc chắn không ra được".

"Chỗ tôi là khu dân cư rất đông đúc, nhưng cả khu chúng tôi chắc chưa bao giờ nghĩ đến mua bình chữa cháy"

Tất cả bất cập vừa nêu khiến việc chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại đô thị gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, như vụ cháy chung cư ni ở Khương Hạ, Thanh Xuân ngày 13/9 khiến 56 người thiệt mạng; vụ cháy khiến 3 người tử vong trong ngõ Thổ Quan, Đống Đa hôm 8/7; hay hỏa hoạn tại căn nhà 4 tầng bọc kín bởi lồng sắt ở phường Quang Trung, Hà Đông ngày 13/5 khiến 4 người thiệt mạng;…

Nằm xen giữa các khu dân cư, chợ truyền thống cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao ở đô thị. Có thể kể đến chợ Tó, Đông Anh, nơi đã cháy 2 lần chỉ trong 4 năm, từ 2015 - 2019.

Thượng tá Nguyễn Quang An, Phó trưởng Công an huyện Đông Anh, nêu thực tế: "Có một số chợ do lịch sử để lại, một nửa là chợ, một nửa là ki-ốt người dân xây thêm, câu móc điện từ bên ngoài vào. Ngoài trời nắng mưa như thế, đường điện nó mục, chập cháy"

Cùng với chợ truyền thống, các nhà xưởng, kho chứa hàng tập trung lượng lớn chất dễ cháy, hay sự tồn tại cơ sở phế liệu trong khu dân cư cũng là vấn đề có tính đặc thù của đô thị, có thể trở thành “ngòi nổ” nếu không có biện pháp đảm bảo an toàn. Mới nhất, ngày 26/10, hỏa hoạn tại cơ sở thu gom phế liệu ở Tứ Hiệp, Thanh Trì khiến 3 người tử vong, nguyên nhân là máy ép cán phải bình xịt tóc phát nổ, bén lửa ra bình khí gas, gây cháy.

Trong bối cảnh ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, nhiều chủ xưởng, tiểu thương mong muốn cơ quan quản lý địa phương có những quy định, biện pháp PCCC đặc thù:

"Cũng lo lắng, cửa hàng đồ nhựa các thứ, thế nhưng chợ cũng trang bị cho các bình chữa cháy. Mình nghĩ mỗi chợ nên có một cột nước chữa cháy. Khi mà cháy một cái là mở nước ra phụt luôn cho người dân thì nó nhanh hơn là đợi đội chữa cháy".

"Xưởng may mặc của gia đình cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Gia đình đã chuẩn bị một số thiết bị PCCC rồi, nhưng mà vẫn còn thiếu. Còn thiếu dụng cụ gì mong cơ quan chính quyền đề nghị, gia đình sẽ bổ sung"

Tiêu chí về PCCC cần được xây dựng thế nào?

Hiện trường vụ cháy chung cư ni trong đêm ngày 12/9 vừa qua

Theo Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh, một thôn hoặc đơn vị dân cư tương đương được xác định là một khu dân cư thuộc diện quản lý về PCCC, căn cứ Điều 6, Nghị định 136 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật PCCC.

Như vậy, các quy định về PCCC hiện hành áp dụng chung cho cả thành thị và nông thôn, có thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương khi áp dụng thực tế: "Các đô thị có đặc thù riêng về dân cư, kiến trúc xây dựng cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội, do vậy có nguy cơ cháy nổ khác nhau và yêu cầu về cách thức quản lý cũng phải khác nhau.

Nếu các đô thị được trao quyền đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với địa bàn cụ thể thì sẽ có ý nghĩa rất quan trọng: có thể nghiên cứu, đưa ra đề án tổng thể nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn. Bảo đảm tính khả thi để từng bước tháo gỡ và giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc. Giúp tạo hành lang pháp lý và cơ chế vận hành thống nhất, đồng bộ, khai thác tối đa nguồn nhân lực của từng địa phương".

Thời gian qua, hàng loạt vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra với loại hình nhà ống, không lối thoát nạn đặc trưng ở đô thị, cho thấy sự cần thiết ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC đặc thù.

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: "Chúng ta có hàng nghìn ngôi nhà ở trong đô thị, vừa ở vừa kết hợp kinh doanh. Thực ra nước ta không thiếu các quy định, thế nhưng không nước nào như nước ta, cứ có mặt tiền là xây “chuồng cọp” bịt lại. Còn người kinh doanh thì hầu hết vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả.

Một vấn đề nữa là việc thanh, kiểm tra còn lỏng lẻo, nhiều nơi chỉ nghĩ đến chuyện thu thuế thôi chứ chưa nghĩ đến sự an toàn. Về lâu dài cần hàng loạt giải pháp, từ cấp phép xây dựng đến cải tạo đô thị. Khi cấp giấy phép xây dựng hay cải tạo nhà phố thì dứt khoát phải có lối thoát hiểm".

Cũng nhìn nhận những khó khăn mà các đô thị phải đối mặt trong công tác PCCC nhưng chuyên gia đô thị, KTS. Trần Huy Ánh cho rằng, khi đã có quy hoạch chung thì không nên phát sinh những quy định đặc thù, chỉ cần xây dựng những phương án riêng tại mỗi địa phương. Bởi những quy định đặc thù có thể bị lợi dụng để đầu tư bừa bãi, không hiệu quả, hoặc gây khó khăn trong việc cấp phép PCCC, cản trở sự phát triển của một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Để giải quyết những khó khăn trong công tác PCCC đặc thù ở mỗi địa phương, ông Ánh nhấn mạnh cả vai trò của cơ quan quản lý và sự tham gia của cộng đồng dân cư: "Năm 2011, Quy hoạch 1259 được công bố, lúc nghiên cứu nó thì đã phải tiếp quản 744 dự án có rồi. Đó là “chữa cháy” cho một đô thị phát triển tự phát. Rất may là gần đây đã có quy hoạch PCCC ở quy mô toàn quốc. Trong tất cả tình huống, dù khó khăn đến đâu nhưng cũng có giải pháp thích hợp đến đó. Ví dụ, khu dân cư ngõ xóm nhỏ hẹp thì lại phải có những bể PCCC tại chỗ, những trạm bơm, trụ cứu hỏa,…

Và đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng dân cư. Nhiều quốc gia đầu tư cho PCCC rất tốt nhưng hệ thống PCCC tình nguyện của cộng đồng cũng rất hùng hậu. Sự tham gia của toàn dân, không chỉ dưới dạng hình thức mà phải được huấn luyện, thì mới đem lại những hiệu quả thực tiễn"