Phát triển kinh tế đêm: Cần thiết nhưng phải thận trọng

Nền kinh tế TP.HCM đã bước vào trạng thái bình thường mới sau thời gian dài chống chọi với COVID-19. Đây cũng là lúc để mở lại, phát triển một loạt ngành, dịch vụ, trong đó có kinh tế ban đêm.

Theo các chuyên gia, phát triển kinh tế đêm là vấn đề tất yếu, nhưng cũng cần những bước đi thận trọng; phải có nghiên cứu, đánh giá thực trạng, có lộ trình thực hiện và cố gắng hạn chế tối đa những mặt tiêu cực…

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

TP.HCM được xem là đầu tàu kinh tế, hội tụ nhiều nền văn hóa, ẩm thực và là điểm đến luôn thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, là thành phố có lượng dân số trẻ và mức độ hội nhập toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu, tuy nhiên sản phẩm du lịch hiện nay chủ yếu là sản phẩm "cứng", khá đơn điệu và chỉ tập trung trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 17 giờ, còn các sản phẩm có thể thu được nhiều tiền nhất từ 18 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau thì đến nay vẫn chưa được phát triển.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Công ty Du lịch Vietravel, nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm mới đáng kể, chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong đường tour của khách.

Ông Kỳ đánh giá, TP.HCM có khu Nguyễn Huệ, khu Bùi Viện, nhưng không đủ. Vì khu Nguyễn Huệ quá hoành tráng và hiện đại, không mang bản sắc của Sài Gòn, trong khi khu Bùi Viện thì hợp với giới trẻ, thích ăn nhậu hơn khám phá văn hóa.

Một số khu vực ở quận 5 hay dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có một số kiến trúc cổ kính nhưng lại thiếu dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khám phá của khách.

Ông Kỳ đề xuất chính quyền cũng cần cho phép các hình thức biểu diễn nghệ thuật đường phố thiên về nghệ thuật truyền thống bên cạnh việc kinh doanh hè phố.

Việc triển khai nghệ thuật đường phố và kinh doanh hè phố sẽ tạo nên sự đa dạng về các dịch vụ trải nghiệm ban đêm cho khách vì thể hiện được cuộc sống của người dân. Đây là điểm đặc biệt mà các nước châu Âu không có.

Việc triển khai nghệ thuật đường phố và kinh doanh hè phố sẽ tạo nên sự đa dạng về các dịch vụ trải nghiệm ban đêm cho khách vì thể hiện được cuộc sống của người dân.

Ngoài ra, TP.HCM nói chung và TP. Thủ Đức nói riêng cần chú trọng quy hoạch và khai thác loại hình thể thao gắn với sông nước, bến đậu du thuyền, ca nô trên sông Sài Gòn. Đặc biệt, cần có những dịch vụ ven sông để khai thác du lịch sông, nhất là vào ban đêm để khai thác kinh tế đêm.

“Chúng ta cũng tính toán quy hoạch lại toàn bộ kinh tế ban đêm của Thủ Đức sắp tới là kinh tế gì? Và chúng ta không thể nào chúng ta thu ban ngày được.

Tôi thấy Thủ Đức chúng ta quy hoạch rất nhiều khu dân cư thì kinh tế ban đêm chúng ta đã tính toán chưa, nếu chưa thì chúng ta phải xây dựng và tính toán ngay. Nếu không chúng ta sẽ bỏ nguồn lợi rất lớn, tiêu dùng ban đêm lớn hơn ban ngày”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Phát triển hoạt động kinh tế để tạo nên sức sống cho khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang được UBND TP.HCM định hướng quy hoạch nhằm thu hút khách đến và đi từ sân bay Tân Sơn Nhất như kinh tế đêm kết hợp dịch vụ giải trí, ẩm thực, văn hóa....

Ông Hoàng Xuân Thụ - Phó Chánh văn phòng Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM cho biết sắp tới, vấn đề này sẽ được xem xét trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP để khai thác tốt nhất tiềm năng của sân bay Tân Sơn Nhất, hình thành "đô thị sân bay".

Trong đó, sẽ tăng cường kết nối giao thông, ưu tiên giao thông công cộng, nghiên cứu bổ sung thêm các cầu vượt, phân luồng lại hệ thống giao thông, có các tuyến ưu tiên để hành khách đi và đến sân bay thuận tiện hơn...

Song song với đó, TP sẽ tổ chức các không gian thương mại dịch vụ, hình thành các phố kinh doanh hàng hóa và con đường mua sắm xung quanh sân bay...

Cũng theo ông Hoàng Xuân Thụ: “Chúng ta có thể phát huy được lợi thế của sân bay để phát triển kinh tế xã hội đa chiều hơn. Trong đó là phát triển các loại hình thương mai dịch vụ, gắn liền với đầu mối giao thông vận tải và phát triển kinh tế đêm, các khu vực logistics rồi các nội dung liên quan đến phát triển đô thị thông nh, sáng tạo”.

Để phát triển kinh tế đêm, UBND TP.HCM cũng vừa có đề xuất cho phép thí điểm tổ chức casino tại các khách sạn từ 5 sao trở lên và các điểm du lịch hạng sang, cho phép người Việt đủ 18 tuổi tham gia.

Thành phố cũng đề xuất các quán karaoke, bar, vũ trường ở cơ sở lưu trú du lịch từ 4 sao trở lên hoặc cao cấp được hoạt động không giới hạn thời gian. Nhóm còn lại được kéo dài thời gian hoạt động so với hiện nay.

Ngoài ra, TP cũng kiến nghị Quốc hội có ý kiến để mở rộng quốc gia được ễn thị thực hoặc thực hiện chính sách visa điện tử và gia hạn thời gian tạm trú với khách quốc tế từ 15 lên 30 ngày.

Đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội cho rằng: “Nếu phát triển được du lịch giải trí, casino thì chắc chắn sẽ có thể tăng thu nhập của những người làm du lịch, hay là của cả địa phương và hay là GRDP của thành phố.

Tại vì những người đi vào casino thì họ là những doanh nhân, những người giàu và họ sẵn sàng chi tiêu ra. Không khách du lịch nào muốn cầm tiền đi du lịch mà lại cầm tiền về, họ muốn chi tiêu bằng một hình thức nào đó, có thể là đỏ đen, có thể là vui chơi, có thể là giải trí thì casino là một hình thức tiêu tiền hợp pháp”.

Trả lời về một số ý kiến lo ngại việc mở casino sẽ làm gia tăng thêm sự phức tạp bởi những yếu tố ngoài mong muốn, theo ông Phương bất kỳ loại hình du lịch nào cũng sẽ phát sinh các hệ lụy.

Vì vậy cần vạch ra những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra để đưa ra những phương án xử lý sao cho phù hợp.

Các chuyên gia cũng góp ý, để phát triển kinh tế ban đêm, cần nghiên cứu thị trường, nhu cầu của khách du lịch và tiềm năng cụ thể mỗi địa phương. Trước mắt, triển khai thí điểm tại một số quận, huyện trước khi triển khai rộng rãi.

Hơn nữa, cần có kế hoạch và sự chỉ đạo thống nhất để xây dựng và tạo "hệ sinh thái kinh tế ban đêm" đồng bộ cả về luật pháp, mạng lưới quản lý dịch vụ an toàn và cơ sở hạ tầng.

Tập trung hình thành và phát triển các khu kinh tế ban đêm chuyên biệt, được quy hoạch dài hạn và đầu tư bài bản. Các sản phẩm của khu kinh tế ban đêm cần đa dạng và tiện ích cao, đạt được các yêu cầu cao về chất lượng và an toàn xã hội.

Đồng thời, cần thành lập những cơ quan và phát triển đội ngũ các nhà quản lý chuyên nghiệp quản lý các doanh nghiệp và dịch vụ hoạt động về đêm.

Nếu làm tốt, các khu kinh tế ban đêm sẽ vừa là động lực kinh tế, vừa là động lực văn hóa, giúp tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Phát triển kinh tế ban đêm là cần thiết đem lại nhiều lợi ích về của cải vật chất và cả đời sống văn hóa tinh thần

Cần thiết nhưng phải thận trọng 

Là thành phố năng động và đông dân nhất cả nước, TP. HCM có đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế ban đêm.

Cảnh quan sông nước, trên bến dưới thuyền; nhiều công trình kiến trúc độc đáo vừa truyền thống vừa hiện đại; kết hợp với khả năng cung ứng các ngành dịch vụ văn hóa, giải trí, ẩm thực  sôi động.

Đây là những điểm nhấn khiến du khách gần xa luôn ấn tượng khi đến thành phố này. Nhiều năm qua, TP. HCM đã có những đề án, chương trình để khai thác nhưng kinh tế ban đêm vẫn bỏ lỡ nhiều cơ hội để vượt lên.

Các tuyến phố đi bộ như Nguyễn Huệ, Bùi Viện dù luôn có nhiều hoạt động về đêm nhưng vẫn chủ yếu là ẩm thực, giải trí đơn điệu, chưa đủ tầm. Chưa kể hoạt động dịch vụ vũ trường, quán bar ở đây đó vẫn để lại những điều tiếng; thậm chí mất an ninh, an toàn khiến du khách e ngại.

Việc mua bán ban đêm bề nổi thì khá nhộn nhịp nhưng tham quan thì nhiều mà mua sắm thực sự còn  ít, vì tâm lý có thể mua phải hàng kém chất lượng hoặc cung cách phục vụ chưa đến nơi đến chốn.

Đó là chưa kể, lưu thông ban đêm cũng khó khăn. Chỗ đậu đỗ xe nhiều nơi để tư nhân bao chiếm, chặt chém vô tội vạ. Nhiều hộ kinh doanh thực tế cũng chưa mặn mà đầu tư mà chủ yếu mở cửa hàng quán cho vui, bớt hiu quạnh khi đêm về.

Ngành chức năng thì nhiều nơi vẫn rập khuôn cứng nhắc; độ mở có lúc còn e dè, không khuyến khích được các hộ hoạt động xuyên đêm.

TP.HCM đã vượt qua đại dịch Covid-19, giờ là bắt tay vào khôi phục. Những ý tưởng, đề án, chương trình kinh tế ban đêm phải được coi là hướng đầu tư chiến lược, bài bản.

Theo đó, đặc trưng khí hậu, thời tiết mát mẻ khi đêm về; những dòng sông uốn lượn phải được coi là thế mạnh để phát huy. Các khu vui chơi, giải trí, dịch vụ du lịch, trung tâm mua sắm cần hình thành theo các trục này để hấp dẫn du khách.

Thưởng ngoạn sông nước kết hợp vui chơi,mua bán. Các dịch vụ nhạy cảm, hoạt động có điều kiện như bar, massage, casino phải đảm bảo an ninh,  an toàn; không để tạo ra các ảnh hưởng xấu đến xã hội, nhất là giới trẻ.

Điều người dân và du khách mong muốn nữa là phải có nhiều điểm vui chơi, giải trí, tham quan có chiều sâu để khi đêm về có một thành phố rất đặc biệt với các giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo, khác lạ.

Các nhà hát, quảng trường, khu vui chơi công cộng nhiều hoa trái; khu triển lãm; di tích lịch sử cần được nâng cấp và mở rộng để hoạt động về đêm. Các chương trình âm nhạc, đạo cụ truyền thống có bề dày, dàn dựng công phu thường xuyên biểu diễn phục theo định kỳ.

Các hoạt động mua sắm, ẩm thực sôi động nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý. Việc điều tiết lưu thông thuận tiện, trật tự; tạo cảm giác thư thái về đêm cho mỗi người khi dạo quanh thành phố cũng rất cần thiết.

Phát triển kinh tế ban đêm là cần thiết đem lại nhiều lợi ích về của cải vật chất và cả đời sống văn hóa tinh thần. Giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống; xây dựng thành phố đáng sống. Tuy vậy cũng cần thận trọng và làm chắc chắn để không đổ vỡ và kém hiệu quả.

Ngay lúc này, TP.HCM cần tạo dựng nền móng vững chắc từ cơ chế điều hành đến các điều kiện về cơ sở vật chất để tạo đà cho kinh tế ban đêm bứt phá; đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước.