Phân biệt Vạch kẻ đường: Hiểu để đi đúng luật!

Vạch kẻ đường chỉ thay đổi màu sắc, các mức xử phạt liên quan đến hành vi vi phạm giao thông sẽ không thay đổi...

Hình ảnh chủ nhà hàng mang sơn sửa lại vạch kẻ đường để khách vào quán đông hơn ở Tô Châu được ghi lại qua camera an ninh ngày 19/12/2018 

Một đoạn video trích xuất từ camera an ninh trên đường quốc lộ ở Tô Châu cho thấy, người đàn ông mang sơn đen ra giữa đường để tô đè lên vạch đôi liền màu vàng giữa con đường 4 làn, biến chúng thành vạch đôi đứt nét.

Hành động của người đàn ông này là để các phương tiện lưu thông trên đường có thể rẽ vào thẳng nhà hàng của ông, thay vì bắt buộc phải đi lên trên một đoạn để quay đầu lại.

Tuy nhiên, không một quốc gia nào cho phép người dân tự ý sửa vạch kẻ đường từ liền thành vạch đứt như vậy. Sau sự cố trên, công an đã có mặt và người đàn ông bị phạt luôn 2000 tệ (tức 6,75 triệu VNĐ). Có thể thấy, chỉ vì lợi nhuận mà làm như vậy thì rất vô đạo đức và có thể gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Vạch đôi nét liền được sử dụng ở đoạn đường có từ 4 làn xe trở lên, đoạn đường này thường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, nguy cơ dễ xảy ra TNGT

Ở các nước, luật lệ giao thông có những sự khác biệt, song nhìn chung thì vạch đôi liền màu vàng áp dụng để phân chia hai chiều xe chạy cho đường có từ 4 làn xe trở lên, không có dải phân cách giữa, xe không được tự ý lấn làn, không được đè lên vạch. Vạch này thông thường sử dụng ở đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, nguy cơ tai nạn giao thông đối đầu lớn hoặc ở các vị trí cần thiết khác.

Theo Quy chuẩn Việt Nam số 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ có hiệu lực ngày 1/11/2016, vạch kẻ đường màu vàng không dùng riêng cho đường quy định tốc độ từ 60 km/h trở lên mà được dùng để phân chia 2 chiều xe lưu thông ngược chiều. Hiện nay, nhiều địa phương, thành phố đang đồng loạt thay đổi vạch kẻ đường từ màu trắng sang màu vàng theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc Gia về báo hiệu đường bộ.

Vạch kẻ đường có thể sử dụng riêng hoặc phối hợp với các biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu giao thông theo thứ tự: hiệu lệnh người điều khiển giao thông – hiệu lệnh đèn tín hiệu – hiệu lệnh biển báo – hiệu lệnh vạch kẻ đường và các dấu hiệu hướng dẫn trên mặt đường.

Vạch kẻ màu vàng đứt nét dùng để phân chia 2 làn xe chạy ngược chiều nhau các các đoạn đường có từ 2 làn xe trở lên và không có dải phân cách giữa; các phương tiện được phép cắt qua sử dụng làn ngược chiều cả 2 phía.

Vạch đơn màu vàng nét liền dùng phân chia 2 chiều xe chạy đối với đường từ 2 – 3 làn xe, không có dải phân cách giữa (4 làn xe trở lên, sử dụng vạch đôi màu vàng nét liền). Các phương tiện không được đè lên vạch hoặc lấn làn. Đối với vạch đơn màu vàng nét liền, được sử dụng trong đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, rất dễ nguy cơ xảy ra tai nạn đối đầu.

Vạch màu vàng song song ở giữa nhưng một bên nét liền, một bên nét đứt dùng để bố trí trên đoạn đường 2 chiều nhưng có 3 làn xe và một bên cho phép vượt (bên nét đứt) và bên còn lại cấm vượt xe (bên nét liền).

Ngoài ra, các vạch kẻ đường màu vàng khác cũng phụ trợ cho vạch này đối với những đoạn đường có tầm nhìn hạn chế hoặc đường cong.

Vạch màu vàng nét đứt trên vỉa hè sát mặt đường hoặc trên mặt đường nhằm báo hiệu cấm dừng xe trên đường và những vạch kẻ nét liền tại các vị trí trên cũng báo hiệu cấm dừng, đỗ xe trên đường.

Vạch màu trắng nét đứt để phân chia các làn xe cùng chiều và cho phép chuyển làn đường qua vạch.

Còn vạch màu trắng nét liền, các phương tiện không được sử dụng làn khác hoặc chuyển làn và cũng được được để xe đè lên vạch hay lấn làn.

Ngoài ra, vạch kẻ nét đứt các phương tiện có thể lấn qua không quá 50m khi vượt chướng ngại vật. Lưu ý, vạch kẻ đường chỉ thay đổi màu sắc, các mức xử phạt liên quan đến hành vi vi phạm giao thông sẽ không thay đổi.