Pathe - Rạp chiếu bóng cổ nhất Hà Nội

VOVGT- Lịch sử điện ảnh của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có rất nhiều dấu ấn thú vị, độc đáo, gắn với tên tuổi từng rạp chiếu phim một thời

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Rạp chiếu bóng cổ nhất Hà Nội chính là rạp Pathe (Ảnh: 36hn.wordpress)

Từ những ngày đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội và Việt Nam cho đến hiện nay, điện ảnh vẫn luôn là chủ đề vô cùng hấp dẫn với tất cả mọi người. Phim ảnh là một hình thức nghệ thuật, giải trí ra đời từ xa xưa và bắt đầu du nhập vào Việt Nam khoảng cuối thập niên 1890.

Trải qua nhiều thập kỷ, thú xem phim gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của xã hội - con người. Những rạp “cinéma” thuộc thế hệ ông bà, các cụ từng chứng kiến hành trình thay da đổi thịt của nền điện ảnh nước nhà giữa phố thị Hà thành náo nhiệt.

Thời nay, nếu đi hỏi người dân về rạp phim đầu tiên của mảnh đất kinh kì, kể cả người Hà Nội chính gốc thì cũng không còn nhiều người biết bởi nó tồn tại trong những năm 20 của thế kỉ trước. Rạp chiếu phim hay bấy giờ người ta gọi là rạp chiếu bóng cổ nhất Hà Nội chính là rạp Pathe, nằm ở vị trí của tượng đài Cảm Tử Quân – đoạn gặp gỡ giữa phố Hàng Dầu và phố Đinh Tiên Hoàng bây giờ.

>>>Dấu ấn điện ảnh thời bao cấp trong lòng người Hà Nội

Được khánh thành ngày 10 tháng 8 năm 1920, Pathe không chỉ là rạp phim đầu tiên của Hà Nội mà còn là rạp chiếu phim cổ nhất của Việt Nam và Đông Dương. Dấu tích về rạp chiếu phim đầu tiên này từ lâu đã không còn, cả dấu tích về cảnh quan kiến trúc, hay dấu tích về nó trong tiềm thức của những người dân nơi đây cũng đã phai nhòa:

 

# “Tôi cũng không biết được, cái rạp đấy vì nó lâu quá. Bao nhiêu năm về trước thì những người sinh ra ở đấy có khi cũng không còn sống nữa thành ra là không biết tin tức gì về rạp đấy cả

# “Kể cả từ năm mốt năm 2 cũng không có, ở đây không có rạp nào hết, chỉ có rạp Hòa Bình thôi…”

# “Pháp xây là rạp Hòa Bình là rạp múa Rối Thăng Long, chăc chắn là rạp Hòa Bình. Các cô ở đây từ hồi các cô 1 tuổi 2 tuổi các cô lạ gì, không có rạp nào ở đây đâu

# “Bà ở cái Bờ Hồ này hàng bao nhiêu năm rồi, không có cái rạp nào cả, cạnh đền Bà Kiệu cũng như Đồng Xuân bắc qua không có cái rạp nào cả, chỉ có dưới này mới có rạp chiếu bóng Tháng 8, Kim Đồng, Công Nhân là 3 rạp thế thôi

Rạp Pathe, nằm ở vị trí của tượng đài Cảm Tử Quân – đoạn gặp gỡ giữa phố Hàng Dầu và phố Đinh Tiên Hoàng bây giờ (Ảnh: 36hn.wordpress)

Đã quá lâu để kể lại câu chuyện về rạp chiếu bóng đầu tiên ở Hà Nội. Hơn 1 thế kỷ đã trôi qua, ký ức về một thời xưa cũ có lẽ đã gắn chặt với những thay đổi về cảnh quan, về lịch sử, con người mà đất nước trải qua từ đầu thế kỷ XIX đến nay. Với những thành phố mà thế kỷ XX đầy biến động như Hà Nội, nhiều công trình cũ đã không còn, những lớp người thuộc thập niên 20 cũng không còn nữa.

Những người già 70, 80 tuổi khi được hỏi về rạp chiếu phim đầu tiên của Hà Nội họ cũng chỉ biết đến những cái tên như Công Nhân, Hòa Bình, Kim Đồng, Dân Chủ,… Còn cái tên Pathe không hề có trong tiềm thức, họ không biết và cũng không được nghe ai kể lại. Nhưng sự thật là đã từng có một rạp phim như thế, nó tồn tại và từng là nơi đông đúc náo nhiệt một thời.

Giờ đây những thông tin về rạp chiếu bóng cổ nhất Đông Dương chỉ còn tồn tại trong sách báo, và trong tâm trí của những người dành phần lớn thời gian của mình đi tìm hiểu về Hà Nội như nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, báo Hà Nội Mới:

 

Trong rất nhiều cuộc trò chuyện với những người cao tuổi hiện đang sinh sống quanh khu vực Hồ Gươm về dấu tích rạp Pathe ở vị trí đặt tượng Cảm Tử Quân hiện nay, chỉ có một thính giả chia sẻ về địa điểm này trước đó có đặt một bức tượng khác: “ Các cụ chỉ bảo là ngày trước ở đây là có cái tượng đài người Pháp họ để ghi ơn cái ông giáo sĩ Alexandros - người sáng tạo ra chữ quốc ngữ, còn bây giờ không biết đi đâu rồi

Rạp Pathe ngày nay dù không còn trong ký ức nhiều người nhưng có thể chắc chắn một điều, sự xuất hiện của rạp Pathe từ cách đây gần 100 năm có thể coi là một sự kiện lớn của Hà thành. “Rạp chớp ảnh Pathe. Tối nào cũng chớp từ 9 giờ đến 11 giờ. Thứ năm, chủ nhật chớp từ 9 giờ đến 7 giờ. Nên cho trẻ con xem. Hạng nào cũng có quạt máy” - đó là nội dung của một mẩu quảng cáo được đăng trên tờ Thực Nghiệp Dân Báo cùng ngày khai trương của rạp.

Một thời gian sau, vào khoảng đầu thập nên 30 của thế kỷ trước, Pathe cũng xuất hiện trong một truyện ngắn mang tên “Người Đầm” của cố nhà văn Thạch Lam. Pathe chính là nơi nhân vật “tôi” trong truyện gặp gỡ “người đầm” – một thiếu phụ trẻ người Pháp đi cùng với cô con gái nhỏ.

>>>Sự thăng trầm của rạp chiếu phim

Cũng có thể thấy rõ, trước khi rạp Pathe ra đời, chiếu bóng bây giờ gọi là điện ảnh, là một khái niệm rất lạ lẫm, mới mẻ với người Hà Nội. Trước đó người ta chỉ biết đến các bộ môn nghệ thuật là tuồng, chèo, cải lương…nên đến khi ra đời rạp chiếu bóng đầu tiên ở Hà Nội, cũng là đầu tiên ở Việt Nam và toàn Đông Dương thì rạp Pathe chính là biểu tượng của sự hiện đại bậc nhất thời bấy giờ. Rạp cũng luôn được chú ý đầu tư những thiết bị, công nghệ hiện đại nhất. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ chi tiết hơn về điều này:

 

Thực ra rạp Pathe thời đó đến thập niên đầu tiên của thế kỷ XX chiếu bóng đã phát triển và máy chiếu đã tiến hơn 1 bước, nghĩa là các âm bản đã được chiếu lên 1 màn trắng và hiện ra hình ảnh, phim đã có chuyển động tuy nhiên là phim câm, độ dài mỗi bộ phim tối đa chỉ khoảng 60 phút. Máy chiếu hồi đó của rạp Pathe nhập từ Pháp sang cũng là máy rất hiện đại nên hình ảnh ko bị giật, trình độ đạt 24h/s. Đó cũng là tiến bộ của Pháp được đưa vào Việt Nam để kinh doanh điện ảnh.”

Có thể với những ai chưa biết thì chúng ta dễ vô tình lướt qua địa điểm đã từng là nơi tồn tại của rạp chiếu bóng đầu tiên ở Hà Nội – rạp Pathe, ngày nay chính là địa điểm đặt tượng đài Cảm Tử Quân, hướng về phía Hồ Gươm. Nhưng có lẽ, sau câu chuyện trong chương trình BXDV ngày hôm nay, sẽ có nhiều bước chân dừng lại tại đây lâu hơn một chút, để lặng nhìn và hồi tưởng, hình dung ra một không gian chiếu phim cổ đã từng náo nhiệt một thời.

Những hình ảnh như thước phim tua chậm về rạp chớp bóng đầu tiên của thủ đô với kẻ ra người vào náo nhiệt, với sự kỳ vọng và háo hức vô cùng lớn trên gương mặt, trên đôi mắt của những người một thời đã từng được đặt chân tới đây. Thế kỉ XX với đầy những biến động lịch sử, đặc biệt là những mất mát, đau thương mà chiến tranh để lại cho Hà Nội và sự biến đổi khốc liệt của đô thị trong thời đại công nghệ số…đã tạo thành một guồng quay khổng lồ, cuốn mọi thứ đi quá nhanh.

Gianh giới giữa cũ và mới, giữa còn hay mất cũng trở nên khó xác định, khiến những người hoài cổ, đặc biệt là những người dành tình yêu cho một Hà Nội xưa luôn mải ết đi tìm, đi cóp nhặt những ký ức đẹp để lưu dấu. Nhà xưa phố cũ với những người yêu Hà Nội không đơn thuần chỉ là kiến trúc mà nó là nguồn xúc cảm khiến người ta bồi hồi, nao nao nhớ mỗi khi nghĩ về. Hà Nội ngày hôm nay rất đẹp nhưng vẫn có nhiều điều để nhớ và tiếc nuối, như những ký ức khó được tìm thấy về rạp chớp bóng Pathe một thời.