“Ốc đảo” bí ẩn

Giữa khu dân cư đông đúc ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, mọc lên một tổ hợp công trình thương mại, văn phòng, nhà ở quy mô hàng vạn dân. Mặc dù có hệ thống đường nội bộ tương đối hoàn thiện, nhưng 4 cổng kết nối của tổ hợp này với các tuyến đường xung quanh lại bị rào chắn.

Thực tế này dẫn đến khó khăn trong thống nhất việc tổ chức giao thông, làm gia tăng thêm áp lực cho giao thông trong khu vực.

Giờ cao điểm sáng, ông Nguyễn Sơn Sỹ, tổ trưởng tổ tự quản phường Thanh Xuân Trung, cùng các trật tự viên và cảnh sát địa phương chen chúc giữa dòng phương tiện ùn dài để phân luồng, phòng chống ách tắc ở ngã ba Quan Nhân – Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Theo ông Sỹ, đường Vũ Trọng Phụng có đặc thù nhiều chung cư, trường học, ngõ đông dân cư bám hai mặt đường. Điển hình là tổ hợp H.Complex với quy mô 8 tòa nhà từ 17 đến 24 tầng, chưa kể khu nhà vườn cùng một “chợ thuốc” lớn nhất Hà Nội luôn nhộn nhịp xe cộ ra vào.

Giao thông qua khu vực thường xuyên ùn ứ giờ cao điểm, một phần bởi các loại xe dừng đỗ trước 'chợ thuốc' ở ngã ba Ngụy Như Kon Tum - Vũ Trọng Phụng

Tuy nhiên, dù nằm lọt thỏm trong một khu vực nóng về giao thông, 4 cửa ra vào của H.Complex đều bị rào chắn bằng barie, chỉ cho người sống và làm việc bên trong ra vào. Ông Nguyễn Sơn Sỹ nhận định:

“Khu đó có nhà thuốc, xe cộ đỗ nhiều lắm nên nó hay ùn tắc, cần sắp xếp lại hợp lý hơn, làm sao cho các hướng đi thoáng. Tôi nghĩ theo hướng đô thị mở thì sẽ tốt hơn là đô thị đóng. Các hướng đường xung quanh quá chật rồi. Bây giờ, cứ tiếp tục đóng barie thế này sẽ gây khó khăn đi lại cho các phương tiện giao thông”.

Hình ảnh tại cổng số 3 với barie chỉ dành cho cư dân và người làm việc trong khu đô thị ra vào, có biển cấm người đi bộ, tập thể dục vào khu

Sinh sống và kinh doanh ở đoạn “thắt cổ chai”, ngã ba Vũ Trọng Phụng - Nguyễn Huy Tưởng, bà Lưu Thị An cũng thắc mắc, tại sao một dự án lớn, có đường nối từ Vũ Trọng Phụng sang phố Lê Văn Thiêm, nhưng lại không được mở thông mà rào chắn lại. Cư dân xung quanh khu vực cũng bị cấm đi thể dục, dạo bộ vào H.Complex.

“Tôi rất muốn bỏ barie cho thông thoáng đường phố. Tự dưng trên đường nó có vật cản đâm ra rất gây khó khăn cho giao thông, nên bỏ rào chắn đi. Thứ nhất là thông đường, mà thứ hai là cho người dân đi bộ”.

Ông Nguyễn Dũng Tiến cho rằng, rào chắn lại có sự riêng tư và lợi ích cho cư dân chung cư, khu đô thị, nhưng không nên xung đột với lợi ích cộng đồng, cụ thể là sự kết nối giao thông trong khu vực

Ông Nguyễn Dũng Tiến thường xuyên lưu thông qua khu vực “chợ thuốc”. Ông cho rằng, hiếm nơi nào ở Hà Nội vẫn còn cảnh rào chắn lối ra vào như H.Complex. Các khu đô thị, khu chung cư đều phải mở đường nội khu để kết nối với các trục giao thông của thành phố, không thể “cửa đóng then cài”.

“Trục đường chính là khi tắc thì cần tản ra ở các đường nhánh thì mới dễ lưu thông. Còn bây giờ các khu đô thị cứ rào lên như thế, chỉ dồn phương tiện ra mà không cho xe từ đường chính đi qua lối đấy để sang đường khác. Tôi thấy, nhà nước nên nghiên cứu để mở các lối đi ngang qua để giao thông thông thoáng”.

Trái ngược với vẻ đông đúc bên ngoài, đường nội khu chủ yếu làm bãi đỗ xe, nơi tập kết hàng hóa và khá thông thoáng

Được biết, trong quá trình rà soát thực trạng kết nối các khu đô thị đã hoàn thành trên địa bàn thành phố, ngành chức năng Hà Nội đã chỉ ra: H.Complex là khu đô thị hiếm hoi đề xuất giữ nguyên trạng quản lý đường nội bộ, hạ tầng kỹ thuật và không dỡ bỏ rào chắn barie ở 4 cổng ra vào.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm đường giao thông tại đây chưa được bàn giao cho thành phố quản lý

Căn cứ để chủ đầu tư dự án này đưa ra đề xuất là quyết định thu hồi đất  của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, bàn về “Ốc đảo” bí ẩn này, chuyên gia giao thông đô thị Đinh Quốc Thái lại có nhận định khác.

“Chủ đầu tư chúng ta hay nói nôm na là có quyền sở hữu với phần đất mà ông thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, tức là nộp tiền sử đụng đất. Còn các công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó có đường giao thông, chủ đầu tư không mất tiền, còn có thể được khấu trừ khi bỏ tiền ra làm hạ tầng đấy.

Bên cạnh đó, pháp luật quy định ông phải bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông của dự án đấy cho chính quyền quản lý, hoặc đơn vị được chính quyền ủy quyền quản lý."

Theo chuyên gia giao thông đô thị Đinh Quốc Thái, pháp luật quy định, chủ đầu tư dự án sau khi hoàn thành cần bàn giao hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông cho chính quyền quản lý

Trước thực trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp, trong đề án phòng chống ùn tắc của Hà Nội đã đề cập giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong kết nối giao thông giữa các khu đô thị, khu chung cư với trục giao thông thành phố.

Việc tồn tại những “Ốc đảo” với những đặc quyền phía sau lớp hàng rào, barie bí ẩn có lẽ cần sớm được giải mã./.

Đây là khu độ thị hiếm hoi ở Hà Nội còn tình trạng rào chắn barie toàn bộ các điểm kết nối với giao thông của thành phố, gây áp lực lớn lên khu vực xung quanh, thay vì góp phần hấp thụ lượng phương tiện