Nuôi chó ở chung cư…

Ở đô thị, đất chật, người đông, chung cư mọc lên san sát, cuộc sống của con người ngày càng ngột ngạt do thiếu không gian… Chính vì vậy, nhiều gia đình muốn nuôi thêm một chú chó, một chú mèo hoặc một loài vật nào đó. Để làm bạn, và cũng giúp bớt căng thẳng sau ngày dài mệt mỏi bon chen ngoài đường…

Câu chuyện nuôi động vật, cụ thể là chó mèo ở chung cư với những mâu thuẫn giữa những người nuôi và không nuôi kéo dài dai dẳng, có lẽ bắt đầu từ khi xuất hiện những… chung cư đầu tiên.

Khác với văn hóa nước ngoài, ở nơi người ta coi chó là bạn, và sống chung một cách “hòa bình”, thì ở ta, chó, đôi khi chỉ là một loại… thực phẩm. Không có sự gần gũi và thân thiết quá đà. Những đứa trẻ thường được dạy chó là loài vật nguy hiểm, và cha mẹ thì luôn cảnh giác, không muốn trẻ nhỏ chơi với thú vật, dù lớn hay nhỏ.

Chính vì vậy, hầu hết trong chúng ta từ nhỏ tới khi trưởng thành đều không mấy thiện cảm với loài chó. Dù thậm chí có nuôi trong nhà.

Những con chó được nuôi trong nhà người Việt thường cũng không nhận được sự “cưng chiều” như ở phương Tây, nhất là ở các vùng nông thôn, chúng được chăm sóc đúng như vị trí của một con vật nuôi trong nhà, không hơn. Sự xa cách, và thậm chí bị đánh đập khiến nhiều chú chó trở nên hung dữ, gặp người lạ là sủa, cắn… đặc biệt là trẻ nhỏ.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người sợ chó.

Những năm 80-90 thế kỷ trước, phong trào nuôi chó cảnh nở rộ ở đô thị, những chú chó khi ấy có giá trị bằng cả một gia tài, người ta cưng chiều hết mức, gọi bằng con, ăn uống, tắm rửa, chăm sóc còn hơn cả người. Ấy bởi vì chúng đem lại nguồn lợi về kinh tế. Và từ đó cũng xuất hiện những người nuôi chó làm bạn, mang chúng về nuôi trong nhà, được ăn ngủ cùng chủ. Phần lớn trong số họ sống trong chung cư.

Và dần dần, người ta đã quen với hình ảnh những chú chó cảnh tung tăng chơi đùa cùng chủ nhân trong những căn hộ chung cư, từ bình dân tới cao cấp. Nhưng rồi từ đây cũng nảy sinh những mâu thuẫn, như đã nói, giữa những người nuôi chó và những người không ưa loài động vật này, ở cùng chung cư.

Có nhiều nguyên nhân khiến người ta phản đối chuyện nuôi chó ở chung cư. Đầu tiên là tiếng ồn, phần lớn người chọn ở chung cư là tìm sự yên tĩnh, không bị ảnh hưởng bởi hàng xóm ồn ào, thế nên khi chẳng may nhà sát bên nuôi chó, họ phải chịu đựng tiếng chó sủa cả ngày. Đi làm đã mệt mỏi, tối về nhà muốn yên tĩnh nghỉ ngơi thì lại bị làm phiền bởi tiếng chó của nhà hàng xóm. Chưa kể nhà có con nhỏ, thì đúng là một cực hình, khổ sở…


Không phải tất cả những người nuôi chó, đặc biệt là ở chung cư đều có ý thức giữ gin vệ sinh. Ở các nhóm cư dân chia sẻ trên mạng xã hội, người ta thường xuyên đọc được phàn nàn về việc, những nhà nuôi chó mèo thả ra hành lang chung cư cho chúng tùy tiện đi vệ sinh, và chủ nhân của những chú chó đó coi là chuyện bình thường, họ không bao giờ dọn những đống chất thải mà chó mèo của mình gây ra.

Cứ mỗi sáng sớm, hoặc chiều muộn, hàng đàn chó được dắt hoặc thả rông theo chủ đi dạo khắp các con đường, công viên, bãi cỏ trong chung cư. Chúng thoải mái đi vệ sinh lên bãi cỏ, thậm chí là giữa đường, trên vỉa hè. Điều đáng nói ở chỗ, những chủ nhân của các con vật ấy, không hề có ý định dọn dẹp chất thải do chó của họ để lại trên đường.

Có lẽ, họ cảm thấy bẩn nên không muốn dọn dẹp? Và hậu quả thì những người hàng xóm, người ở cùng chung cư ấy phải chịu đựng… Vậy là gây ra mâu thuẫn.

Ở các chung cư, người ta phải họp gấp và ra những quy định về việc nuôi chó mèo ở chung cư, và kèm theo là những hình thức xử phạt khi để chó mèo thả rông không rọ mõm, hoặc phóng uế bừa bãi nơi công cộng.

Ban đầu thì có vẻ quy củ, nhưng được vài hôm lại đâu vào đấy, vì chẳng ai có thể đi theo kiểm tra từng chủ chó có tuân theo quy định… Điều quan trọng nhất, vẫn là ý thức của những người nuôi chó ở chung cư, nếu họ không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, chẳng có quy định nào có thể khiến họ thay đổi.

Vậy là khắp nơi từ ngoài đường, vỉa hè, vườn hoa, tới hành lang chung cư vẫn đầy rẫy chất thải của vật nuôi…

Ở chiều ngược lại, khi con người quá bức xúc với việc chó mèo làm bẩn môi trường sống, thì ngay cả con người, những người sống trong chung cư, chính họ, cũng không có nhiều người rèn luyện được ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Thỉnh thoảng lại có chuyện người sống ở trên cao dội nước, ném “vật thể lạ” xuống dưới đường. Khắp vườn hoa, vỉa hè toàn rác thải, dù thùng rác ở chung cư sẵn và nhiều hơn bất cứ nơi nào.

Mỗi chiều, các bà nội, bà ngoại phải rời nhà để lên chung cư sống vì con gái, con dâu mới sinh em bé lại bế cháu xuống sảnh chung cư ngồi chơi, cảnh tượng các bà vô tư ngồi cho cháu bé đi vệ sinh ở những nơi ấy mới thật hãi hùng. Không mấy ai có thể nhắc nhở và làm thay đổi ý thức của những người bà vĩ đại ấy…

Ở nhiều chung cư, người ta ra quy định xử phạt rất nặng chó mèo thả rông hoặc phóng uế bừa bãi, nhưng hầu như không có quy định nào về việc xứ lý con người xả thải ra môi trường sống chung. Và những mâu thuẫn bất tận về chủ chó và hàng xóm sẽ còn mãi.

Người ta yêu cầu con vật không được làm mất vệ sinh môi trường sống chung, nhưng có lẽ, điều cần thay đổi trước tiên lại thuộc về ý thức của con người. Nếu chúng ta không tập phản xạ bảo vệ môi trường sống của mình, làm sao có thể yêu cầu sự sạch sẽ từ nhà ra đến nơi công cộng, ở những chú chó được nuôi trong chung cư?