Nước rút chậm, nhiều xã ven sông Bùi vẫn ngập nặng

Các xã ven đê Hữu Bùi như Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ vẫn bị ngập sâu...

Nước ngập sâu, người dân phải dùng thuyền để di chuyển trên đường

Đến 17h chiều qua (2/8), mực nước trên sông Bùi tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội là 7,13m, cao hơn báo động số 3 là 13cm. Các xã ven đê Hữu Bùi như Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ vẫn bị ngập sâu. Nước tràn cả vào nhà, có nơi tới 2m cùng với rác thải sinh hoạt, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, nguy cơ dịch bệnh đang hiện hữu.

 

Hiện nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã tại các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ vẫn bị chia cắt. Đường vào thôn Yên Trình và thôn Thuần Lương, xã Hoàng Văn Thụ bị ngập sâu hơn 1m, ô tô và xe máy chưa thể đi lại.

Các thôn Nhân Lý, Nam Hài, Hạnh Bồ và Hạnh Côn thuộc xã Nam Phương Tiến còn hàng trăm hộ dân bị ngập nặng đã được sơ tán tại chỗ bằng cách di chuyển từ chỗ thấp lên chỗ cao theo mực nước. Toàn xã có 300 hộ bị cắt điện để đảm bảo an toàn. Thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trịnh Văn Sơn ở thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội nói: “Trước mắt ở đây chỉ khó khăn về nước uống và mất điện thôi. Người dân mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ, sau khi nước rút làm sao khắc phục sớm nhất cho cuộc sống của người dân. Chúng tôi ở đây ruộng bị ngập hết rồi chỉ mong muốn vậy thôi chứ biết làm thế nào”.

 

Trong đợt lũ này, tại huyện Chương Mỹ đã có 2 cháu nhỏ ở xã Tốt Động và một người đàn ông ở xã Hoàng Văn Thụ bị chết đuối. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, ngập lụt ở Chương Mỹ đã gây thiệt hại không nhỏ cho 3.629 hộ dân, 2.771 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, có nhà bị ngập tới 2m; 5.167 người phải đi sơ tán.

Do ảnh hưởng của mưa lớn và lũ rừng ngang đổ về, nước dâng cao trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã làm tràn nhiều đoạn đê Hữu Bùi thuộc các xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến. Hầu hết diện tích canh tác ở vùng Hữu Bùi và các khu vực trũng thấp vùng Tả Bùi - Hữu Đáy bị ngập úng.

Ông Lê Trung Hà, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: “Các cơ quan, tổ chức của huyện đã về để hỗ trợ người dân về lương thực, thực phẩm và sinh hoạt hàng ngày. Xã Hoàng Văn Thụ đang tập trung chỉ đạo theo phương án phục hồi sản xuất của xã. Đặc biệt, sau khi nước rút đi thì trước hết phải làm công tác vệ sinh môi trường”.

 

Hiện nay, UBND huyện Chương Mỹ đang bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ; thường xuyên kiểm tra các tuyến đê, hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn, kịp thời nắm bắt và có biện pháp khắc phục ngay các điểm đê xung yếu có nguy cơ, tràn hoặc vỡ. 72 máy bơm ở huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận đang được huy động để tiêu thoát nước, chống ngập úng.

Ngoài tiếp nhận nguồn hàng cứu trợ từ thành phố Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ tiếp tục mua thêm gạo, mì tôm, nước uống và những đồ dùng cần thiết để hỗ trợ người dân trong vùng bị ngập.

Ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: “Do nước dâng cao nên việc đi lại hiện nay rất khó khăn. Chúng tôi đang tập trung cho việc cảnh báo nguy hiểm ở những điểm bị ngập sâu. Chúng tôi cũng tập trung hỗ trợ người dân để ổn định đời sống của bà con trong vùng lũ này”.

 

UBND huyện Chương Mỹ đang đề nghị Sở Y tế Hà Nội  chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng hỗ trợ các biện pháp chuyên môn kỹ thuật, hóa chất để xử lý môi trường trong và sau lũ; đồng thời chỉ đạo các Bệnh viện Mắt hỗ trợ huyện Chương Mỹ trong công tác phòng, chống dịch đau mắt đỏ sau lũ, trước mắt hỗ trợ thuốc và y bác sỹ để khám và điều trị cho nhân dân các xã bị ngập nặng.

Trung tâm Y tế dự phòng huyện Chương Mỹ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh nhà cửa, chủ động phòng tránh dịch bệnh có thể lây lan, nhất là các bệnh về đường ruột và bệnh đau mắt đỏ.