Nụ cười và nước mắt

Khi hàng vạn người đang nô nức tập trung vui chơi - ở nơi sẽ diễn ra sự kiện đón chào năm mới, thì ở một góc phố, vỉa hè, ngõ nhỏ nào đó, vẫn có những con người cặm cụi kiếm từng đồng với những công việc thường ngày của mình mà gần như không biết đến việc nghỉ vì đây là ngày Tết…

Trong khoảnh khắc đón chào năm mới và tạm biệt năm cũ, rất nhiều người tôi gặp đã chia sẻ hy vọng về một năm mới với nhiều điều tích cực hơn trong cuộc sống và công việc.

Bởi năm 2023 và những năm trước đó, thật khó khăn đối với hầu hết trong số họ khi dịch Covid hoành hành và lấy đi rất nhiều điều quý giá…

Sự hy vọng chính là nguồn động lực, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, nên có lẽ vì thế mà có tới hàng vạn lượt người đã kéo về Hồ Hoàn Kiếm và những nơi tổ chức lễ đón chào năm mới trên địa bàn Thủ đô, suốt từ những ngày cuối năm cũ đến hết ngày đầu năm mới để vui chơi, chia sẻ niềm hy vọng và cùng nhau đón chào khoảnh khắc chuyển giao năm cũ-năm mới.

Niềm vui bao giờ cũng sẽ nhân lên gấp bội, khi được cộng hưởng bởi đám đông. Thế nên, những sự kiện đón chào năm mới bao giờ cũng đầy ắp tiếng cười.

Tất nhiên, ở một thành phố với hàng triệu cá thể, thì không thể đòi hỏi ai cũng được nghỉ ngơi, vui chơi giải trí trong ngày Tết.

Thế nên, vẫn có những con người không biết đến khái niệm Tết, hay nghỉ Tết, đi chơi Tết. Họ vẫn làm việc bình thường như bao ngày trong năm, với chỉ một mong muốn duy nhất, có thêm chút tiền trang trải cuộc sống.

Ở một góc phố nọ, một chị làm nghề đánh giày vẫn đang cẩn thận lau những vết đất cát bám trên đôi giày một anh khách vừa đưa cho. Vỉa hè vắng tanh, có lẽ vì người ta đổ lên phố dự lễ đếm ngược đón năm mới hết cả.

Đến quán cà phê nơi chị ngồi cũng chỉ còn lác đác vài người khách. Cả ngày nay, chị mới có hai người thuê đánh giày. Thế nhưng chị vẫn vui, vì dù sao cuối ngày mà còn kiếm được khách, cũng thêm được chút tiền.

Khác với cảnh “ế ẩm” của chị đánh giày, ông cụ làm nghề mài dao kéo ở ngõ chợ giữa trung tâm phố cổ lại luôn tay không hết việc. Dù trời đã sâm sẩm tối. Ngày cuối cùng của năm, ai cũng muốn nhờ ông mài hộ vài con dao sắc, để dùng cho bữa cơm ngày tết, và cả sang năm mới.

Một xã hội có bao nhiêu con người, cũng là có bấy nhiêu cuộc đời. Chúng ta không thể áp đặt cuộc sống của người này vào số phận người khác. Và càng không thể lấy lý do, trong khi còn rất nhiều người nghèo khó, khổ đau mà dừng hoặc ngăn cản những người khác được sống hạnh phúc, được vui chơi, giải trí…

Ở đâu cũng sẽ có nụ cười, và ở một nơi nào đó cũng sẽ có những giọt nước mắt. Có lẽ, niềm vui ngày tết của mỗi người sẽ khác nhau là như thế. Người thì vui vì được nghỉ ngơi, nhưng có người lại vui vì có việc làm, kiếm thêm thu nhập.

Thật nực cười khi hôm qua, tôi đọc một bài báo, trong đó có đoạn viết về một làng nghề trồng cây cảnh, những người trồng cây khi được phỏng vấn đã hồ hơi “khoe” năm nay bán được hết hàng sớm, bởi tất cả hàng đã được mấy cơ quan nhà nước đặt mua hết để làm quà đi biếu?

Chẳng biết câu chuyện có chính xác hay không, nhưng đúng là việc biếu xén tết nhất nó đã trở thành một thứ “xú hoá” mặc nhiên được chấp nhận trong cuộc sống của chúng ta. Nếu tiền để mua sắm những thứ quà tết vô nghĩa ấy, của những “cơ quan nhà nước” kia được chuyển cho những người khó khăn, thì có lẽ, mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều người sẽ được nghỉ ngơi hơn.

Ít nhất là vào ngày cuối năm, để cùng xum vầy, đón tết với người thân trong gia đình, và cũng có cơ hội được đi chơi, vui vẻ đón Tết như những người khác.

Ước mong là vậy thôi. Chứ chắc cũng khó mà thành hiện thực…