Nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến từ 13/3: Tiết kiệm được bao nhiêu thời gian?

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra vô cùng phức tạp, việc không phải đến cơ quan chức năng để nộp phạt là phương án giúp người dân hạn chế việc đi lại, tiếp với người khác, đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Hình thức nộp phạt vi phạm trực tuyến chính thức triển khai từ ngày mai (13/3). (Ảnh: VNPost)

Giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực

Với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, việc triển khai nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia được xem là giải pháp mang lại lợi ích không nhỏ cho cả người dân và các cơ quan nhà nước.

Đặc biệt, lợi ích này có thể nhận thấy rõ ràng nhất trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia là phương án giúp người dân hạn chế việc đi lại, tiếp xúc với người khác, đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, thực hiện Nghị quyết 12 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSGT phối hợp các đơn vị liên quan đã đưa hai dịch vụ Công là xử phạt vi phạm hành chính và nộp lệ phí trước bạ lên cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Về dịch vụ công, Cục CSGT đã làm khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công an cũng như Văn phòng Chính phủ do đây là nền tảng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên Cổng thông tin điện tử Quốc gia.

Cụ thể, hệ thống cơ sở dữ liệu này sẽ được dùng chung giữa các ngành, do vậy cần sự kết nối hiệu quả và sự nỗ lực của từng cán bộ chiến sĩ đang thực hiện đưa Cổng thông tin dịch vụ công lên Cổng thông tin Quốc gia.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh, " đây là mong đợi của người dân cũng như là các cơ quan quản lý nhà nước, để làm sao thuận lợi nhất nhanh nhất, dễ dàng nhất cho mọi người dân. Từ đó có thể rút ngắn thời gian cũng như các thủ tục trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 thì việc đưa 2 dịch vụ này lên cổng thông tin điện tử quốc gia sẽ được người dân đón nhận, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh."

>>> Link nộp phạt vi phạm giao thông: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-thanh-toan-vi-pham-giao-thong.html

>>>Link tra cứu quyết định xử phạt: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-thanh-toan-vi-pham-giao-thong.html 

Ngoài ra, việc sử dụng Cổng thông tin điện tử Quốc gia dùng chung giữa các ngành; như trao đổi thông tin quản lý GPLX đối với những trường hợp tạm giữ GPLX; tước quyền sử dụng GPLX sẽ phục vụ tốt cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông cũng như các trường hợp lợi dung  các tuyến giao thông để vận chuyển hàng cấm, hàng gian lận thương mại; các trường hợp gây tai nạn giao thông bỏ chạy, hay các trường hợp xe mất cắp.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức khẳng định, “ngoài mang lợi ích cho người dân, thực hiện tốt hoạt động này cũng mang lại cho các cấp, các ngành cơ sở dữ liệu để dùng chung, đây là một lợi ích rất lớn”. Hoạt động này được kì vọng sẽ giúp giảm thời gian, tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời từng bước hoàn thiện Chính phủ điện tử, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. 

Tiết kiệm được bao nhiêu thời gian?

Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động của hệ thống hiệu quả cũng như nhận được sự đón nhận và ý kiến của người dân khi sử dụng hai dịch vụ công này, Cục CSGT đã sớm tập trung chú trọng vào " Hạ tầng công nghệ thông tin" và  "Hạ tầng kết nối".

Qua hoạt động thử nghiệm, Cục CSGT cho biết, người dân chưa có tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia vẫn có thể thực hiện việc nộp phạt trực tuyến. Ví dụ: người dân nhập số biên bản bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ tên sẽ tìm được quyết định, số tiền bị xử phạt và thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng hoặc trung tâm thanh toán, nhận biên lai. Từ đó, CSGT căn cứ theo biên lai để thực hiện trả giấy tờ cho người dân theo yêu cầu. 

Đối với người thông thạo, quy trình thực hiện sẽ chỉ diễn ra trong 3 phút, còn thông thường, sẽ mất khoảng 10 phút để hoàn thành tất cả các bước nộp phạt qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tuy nhiên, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết thêm, việc xử lý vi phạm trên Cổng  dịch vụ công Quốc gia phải theo quy định của Pháp luật.

“Không phải người dân bị lập biên bản hành chính, thì ngay sau đó lên cổng thông tin mà có luôn được. Bởi trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ theo theo Luật xử lý vi phạm hành chính. Khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính (ra quyết định xử phạt), thì người dân khi truy cập vào Cổng dịch vụ công Quốc gia sẽ thực hiện được.", Thiếu tướng Lê Xuân Đức chia sẻ.