Nói lời yêu thương

Những lời hay ý đẹp, những câu nói yêu thương ai cũng đều muốn nghe. Nhưng với nhiều người, để nói hoặc viết ra, lại không hề dễ dàng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Một trào lưu trên mạng xã hội gần đây là nh chứng. Các bà vợ hăng hái gửi tin nhắn toàn “lời đường mật”, cảm ơn chồng vì một năm đầy nỗ lực không ngừng nghỉ, hứa dù tương lai thế nào sẽ nguyện mãi bên chồng. Mục đích là thử phản ứng của các đức lang quân.

Kết quả bất ngờ. Hiếm có lời đáp lại ngọt ngào, chủ yếu là cảm thán vì sự “sến sẩm” đột xuất từ vợ, lác đác trường hợp “có tật giật mình” thú nhận tội lỗi. Bi hài hơn, có người nhạy cảm quá mức, do gặp khó khăn trong năm, tưởng bị nói xỏ, nên trách móc ngược lại vợ.

Đa số người gửi và người nhận đều không tin lắm vào những câu từ yêu thương. Họ hoài nghi về tình cảm thật lòng, lấn cấn vì một mục đích nào đó ẩn sau lớp vỏ ngôn ngữ mùi mẫn.

Dường như, cuộc sống hiện đại đã thay đổi cách chúng ta giao tiếp với nhau, con người dần nhận ra lời yêu thương không giá trị bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Và vì thế, những lời yêu cứ ngày một vắng bóng dần.

Có những lúc, bạn có thể nghĩ rằng tình cảm của một ai đó sẽ luôn dành cho bạn, không nhất thiết phải nói ra lời yêu thương. Nhưng đối phương không phải lúc nào cũng có suy nghĩ đó. Có người thiếu sự tự tin, thiếu tin tưởng vào tình cảm của người đối diện nếu không nhận được xác thực bằng lời nói.

Rõ ràng, chỉ lời nói thôi là chưa đủ, nhưng lời nói cũng rất quan trọng trong việc động viên, khích lệ, thể hiện tình cảm với người khác, và là cách để con người trở nên hạnh phúc.

Vì thế, lớn rồi bạn cũng đừng ngại nói lời yêu thương với cha mẹ như thời thơ bé. Kết hôn rồi bạn cũng đừng ngại nói lời yêu thương với vợ, với chồng như thuở ban đầu.

Hãy coi đó là thói quen, không nên là một trào lưu.