Nỗi buồn trên những luống hoa

Tất bật cho một mùa vụ cuối năm, nhưng người dân trồng hoa tại phường Thới An, quận 12 – làng hoa lớn nhất TP.HCM lại giảm dần diện tích, vì lo sợ trồng ra không bán được. Có lẽ chưa năm nào như năm nay, đến làng hoa lại gặp nhiều gương mặt buồn đến vậy.

Những ngày này, ông Lê Phước Lâm - chủ một nhà vườn tại quận 12 đang bận rộn với công việc chăm sóc vườn hoa rộng hơn 4.000m2. Năm nay, nhà ông trồng khoảng 15.000 chậu hoa, chỉ bằng một nửa so với năm ngoái, nhưng chỉ thuê 5 người làm, cộng thêm vợ chồng ông nữa là 7 người. Công việc tất bật từ 6h sáng cho đến gần 10h đêm.

“Công việc ở vườn tôi hiện rất nhiều, sắp xếp lại các loại hoa, hoa nào theo chủng loại hoa đó, rồi chăm sóc, bón phân, tưới nước sao cho nó có bông, có hoa vào ngay dịp lễ, tết. Bây giờ đang rất là bận, coi như phân bón thuốc men không thể để trễ thời gian được thì bông mới đạt hiệu quả”, ông Lâm nói.

Vườn hoa rộng hơn 4.000m2 của ông Lê Phước Lâm

Hoa mào gà, cúc, vạn thọ, hướng dương, thược dược... là loại hoa được trồng phổ biến. Thời điểm này, người trồng hoa đang tỉa lá, ngắt nụ, tưới nước, bón phân, giăng lưới định hình để hoa ra đúng thời điểm và đẹp mắt. Theo chia sẻ của ông Lâm, hầu hết nhà vườn đều giảm diện tích trồng hoa do dè chừng trước biến động của thị trường, một số nhà vườn đã bỏ hẳn nghề.

“Người nông dân trồng hoa năm nay 10 nhà vườn thì lỗ cả 10, thậm chí không có tiền dư ăn Tết, vốn chắc không lấy lại được. Năm ngoái vào thời điểm này thì hầu như thương lái đã mua gần như hết vườn rồi. Nhưng năm nay số lượng còn rất là nhiều. Số lượng mua mới được khoảng 20-30% thôi. Nói chung, người nông dân trồng hoa rất lo lắng cho đầu ra, đầu ra chưa có thì phải sắp xếp, tính toán như thế nào, họ phải chạy tất cả các điểm bán hoa trong thành phố để đăng ký hoa đi bán”, ông Lâm tâm sự.

Ông Lê Phước Lâm - chủ một nhà vườn rộng hơn 4.000m2 tại quận 12

Ông Lâm cũng cho biết thêm, chi phí vật tư, phân bón lên, nhưng giá hoa không lên, thậm chí còn xuống giá so với mọi năm: “Vốn đầu tư rất là nhiều. Nếu như hoa nằm trong vườn đi hết 70% thì mới lấy lại được vốn, còn 30% là cái lời. Nếu còn lại trong vườn, thì một là huề vốn, hai là lỗ.

Thời tiết thuận thì hoa tốt, đi hết. Còn không thuận thì đành chịu. Làm để dư thì không có dư. Nghề nghiệp thì phải làm, chứ ham thì không phải ham vì nhìn Tết nay đã thấy vậy rồi...Mình làm số lượng nhiều, nếu không chuẩn bị trước thì ngày cuối mình không thể nào trở tay kịp”.

Công việc trồng hoa ở vườn đòi hỏi sự siêng năng, chịu khó và tỉ mỉ. Bà Trịnh Kim Lan cho biết, tất cả các công việc tại vườn đều làm bằng thủ công, đặc biệt là việc cắt tỉa phải cẩn thận để hoa khi trưởng thành nở đẹp nhất. Để có chậu hoa đưa ra thị trường, nông dân phải chăm sóc 4 tháng ròng và tốn nhiều chi phí.

“Khoảng 15 tháng Chạp hoa sẽ nở. Nhà mình trồng khoảng 8,9 loại như đại đoá, cúc pha lê, hướng dương, cát tường.... Năm nay số lượng giảm 30%, chỉ trồng 8.000 chậu thôi. Mình cũng chưa biết tình hình trước nữa, giờ kinh tế khó khăn chung, người ta mua cũng sợ sợ, toàn để gần đến nơi mới mua”, bà Lan chia sẻ.

Bà Trịnh Kim Lan

Trước đây, trên địa bàn phường Thới An có hơn 10 hộ trồng hoa nền, nhưng do đô thị hoá nên số hộ trồng hoa đã giảm. Hiện tổng diện tích trồng hoa của phường khoảng 2ha. 

Ông Nguyễn Thanh Tân, Phó chủ tịch UBND phường Thới An cho biết: “Địa phương đã chủ động tuyên truyền đến người trồng hoa có thể ra các gian hàng trên tuyến đường hoa Lê Thị Riêng xây dựng thương hiệu được hơn 10 năm rồi để cung cấp sản phẩm cho bà con để sử dụng trong dịp Tết, đồng thời tuyên truyền cho người dân ủng hộ cho sản phẩm cho nông dân trồng hoa để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm. Đối với người dân có nhu cầu đăng ký thêm các gian hàng, thì phường sẽ có tổng hợp và có báo cáo về quận và sắp xếp cho nông dân, đảm bảo có địa điểm bán hoa trong dịp Tết”.

Mặc dù biết địa phương có những chính sách hỗ trợ, nhưng ông Lê Phước Lâm vẫn tâm tư. Bởi với người trồng hoa, dù lỗ hay lời, họ vẫn đang phải làm để giữ lấy nghề truyền thống.

“Tôi mong các cấp Lãnh đạo TP phải nhìn thấy được điều này, phải hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân thế nào, mua hoa về trang trí đường hoa, hay cần phải có giải pháp. Vì người nông dân trồng hoa mà không có đầu ra thì họ không có làm nữa, ngành nghề sẽ mai một và mất đi...”, ông Lâm đề xuất.

Hoa sẽ xuất bán từ ngày 21 tháng Chạp đến trước ngày 30 Tết Nguyên đán. Thời điểm này, nhiều nhà vườn vẫn chưa dám nhận cọc từ thương lái...