Nở rộ học thêm trực tuyến nở rộ: Chất lượng thả nổi

Không ít phụ huynh lo con tụt hậu, mất cơ hội khi học online kéo dài, đặc biệt con ở giai đoạn chuyển cấp, nên có nhu cầu tìm tới dịch vụ học thêm trực tuyến.

Các khóa học online do trung tâm hoặc cá nhân tự mở vì thế cũng ngày càng “nở rộ”, nhưng chất lượng, học phí cho đến câu chuyện quản lý thế nào vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Học sinh học online. (Ảnh nh hoạ)

3 anh chị em trong gia đình Hà My, lớp 8 ở Hà Nội đều đăng ký các khóa học thêm trau dồi kiến thức. Hiện em đang theo học thêm lớp Văn, Tiếng Anh, Hóa và 2 lớp Toán. Nhưng cũng vì học thêm nhiều, Hà My cũng phải chuyển lớp thường xuyên vì chất lượng không được như ý: "Em thích môn Anh cô dạy tâm huyết và khá hay. Lớp Anh cuối năm thi chuyển lớp em mới chuyển 1 lần. Lớp Toán em có chuyển vì lớp dễ quá với cô dạy chán nữa.

Mấy cái đấy dễ quá em cảm thấy có thể tự học, chuyển qua lớp nâng cao hơn. Cô dạy kiểu trong giờ hay làm việc riêng, tự cho làm bài nhiều, bọn em không làm được cô cũng không giảng nên không thích cô đấy lắm".

Giờ đây, ngoài việc tìm kiếm khóa học trực tuyến qua lời giới thiệu, kinh nghiệm có sẵn, các phụ huynh dễ dàng tham gia và tìm nguồn trong hội nhóm trên mạng xã hội. Chỉ cần vài phút lướt mạng là phụ huynh và học sinh có thể lạc vào “ma trận” các khóa học thêm online. Chị Đỗ Thị Nhung ở Cầu Giấy, Hà Nội đã đăng ký cho con học thêm Toán, Tiếng Anh và khóa học nấu ăn online qua một trang điện tử dù vẫn băn khoăn về chất lượng và học phí: "Nhiều mức giá, mỗi môn một mức giá mỗi thầy cô đề ra mức giá khác nhau. Học online rõ ràng cam bật ra nhưng các con làm gì trên máy không biết".

Chị Nguyễn Thị Nhất, giáo viên dạy cấp 2 ở Hà Nội cho biết: Phụ huynh có con trong giai đoạn chuyển cấp sẽ lo lắng hơn nên sẵn sàng đăng ký các khóa học thêm cho con. Đặc biệt hiện nay, việc các trường không được phép mở lớp học thêm cũng là lý do học thêm trực tuyến ngày càng nở rộ

"Nhu cầu đi học thêm học ở trung tâm, tìm thầy cô trong mùa dịch nhu cầu rất nhiều, thực sự là có đặc biệt trong mùa dịch. Nhất là học sinh chuyển cấp. Lớp 6 năm nay thay sách học sinh bỡ ngỡ với cách thức, phương pháp chưa hiểu, rồi từ lớp 9 lên lớp 10. Nếu bạn nào có ý thức học học trực tuyến nắm kiến thức ổn nhưng bạn nào chểnh mảng thì chất lượng học giảm", chị Nhất cho biết.

Các khóa học online phong phú cả về nội dung và hình thức. Được biết tới nhiều nhất là hình thức giáo viên dạy livestream trên nền tảng mạng xã hội. Học sinh có thể nhờ vậy tăng tương tác với thầy cô và chỉ phải chi trả rẻ nhất là vài trăm nghìn một khóa. Nhưng cũng vì nhu cầu ngày càng gia tăng, bên cạnh nhiều lớp chất lượng, không ít “giáo viên online” vướng ồn ào khi có lời lẽ, tác phong không chuẩn mực, dạy sai kiến thức.

TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Giáo dục Công nghệ, Trường đại học Công nghệ, ĐHQGHN nhận định: "Người người làm khóa học online, nhà nhà làm, trăm hoa đua nở chính điều này khiến bậc phụ huynh và các con cũng rối. Khả năng tiếp cận công nghệ phổ biến rồi.

Bất kỳ cá nhân nào cũng có thể tạo content nội dung đưa trên hệ thống làm cho chúng ta lâm vào trạng thái khó đánh giá, lựa chọn khóa học phù hợp. Nếu không quản lý, giám sát dễ thả nổi, thiếu tính định hướng làm khó cho cha mẹ, học sinh, khó quản lý nhà nước".

Sự nở rộ của các dịch vụ giáo dục đáp ứng theo nhu cầu thị trường trong giai này là điều dễ hiểu, và phụ huynh học sinh có quyền lựa chọn dịch vụ phù hợp với con em mình. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đây là hàng hóa dịch vụ đặc biệt, nên cần có sự định hướng, quản lý về điều kiện và chất lượng, tránh các tác động tiêu cực do bị thả nổi quá lâu.