Theo khảo sát mới đây từ Viện phát triển doanh nghiệp VCCI và Tổ chức di dân quốc tế IOM với hơn 1.000 công nhân tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai thì đã có 15,5% lựa chọn sẽ về quê trong thời gian tới, 44,6% đang lưỡng lự và 39,9% chưa có dự định.
Vậy những giải pháp nào sẽ được các sở ngành và các doanh nghiệp thực hiện nhằm “níu chân” người lao động?
Chỉ còn chưa đến 1 tháng nữa sẽ khép lại năm 2024. Và đây cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM phải đối mặt với bài toán nan giải: giữ chân người lao động.
Ghi nhận của phóng viên tại các khu trọ xung quanh khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố những ngày này. Không khó để nhận thấy không khí có phần trầm lắng hơn. Nhiều công nhân đã xin phép nghỉ về quê sớm, hoặc đang trong tâm trạng chờ đợi kỳ nghỉ Tết sắp đến.
Với hơn 5 năm kinh doanh phòng trọ cho thuê, anh Trần Công Nhân cho biết, thời điểm trống phòng nhiều nhất sẽ là thời điểm cuối năm: “Giai đoạn trống phòng lâu nhất sẽ là giai đoạn này, là giai đoạn tháng 11 tháng 12 cho đến qua tết, dao động tầm 3 tháng. Cứ tới giai đoạn này là trống phòng nhiều nhất vì nhiều khu công nghiệp sẽ chủ động cắt giảm nhân sự trước tết dương lịch. Năm nào cũng vâỵ cứ tới giai đoạn này là người lao động về quê rất nhiều luôn, gần tết thì đâu có ai mà lên thuê trọ làm gì nữa, người ta sẽ ở quê rồi sau tết người ta mới lên lại Sài Gòn để tìm kiếm công việc người ta mới thuê trọ lại.
Có nhiều nguyên nhân khiến người lao động không muốn quay lại thành phố sau Tết. Trong đó, thu nhập thấp nhiều năm không cải thiện trong khi đó chi phí sinh hoạt cao là nguyên nhân hàng đầu,
Chị Nguyễn Thị Bích Trâm – Công nhân Công ty nhựa Duy Tân (Quận Bình Tân) chia sẻ: “Lương hiện tại 5-6 triệu thì trả tiền thuê trọ đã hết 1 nửa rồi, em cũng mong muốn mức lương khoảng 9 hay 10 triệu nếu tăng ca thêm thì sẽ tốt hơn”.
Chia sẻ của chị Trâm cũng là tâm lý chung của rất nhiều người lao động nhập cư tại TP.HCM. Bên cạnh thu nhập không đủ sống thì nhiều người cũng muốn thay đổi môi trường làm việc, tìm kiếm cơ hội thăng tiến mới hoặc về quê lập nghiệp.
Anh Trần Văn Nam, lao động tự do cho biết: "Sau Tết, em dự định sẽ về quê mở một cửa hàng nhỏ. Ở quê nhà chi phí sinh hoạt thấp hơn, gần gia đình, cuộc sống cũng thoải mái hơn."
Chọn trở về quê như một phương án cuối cùng của rất nhiều người lao động và nếu làn sóng này lan rộng hơn thì nhiều địa phương trong đó có TP.HCM rất có thể rơi vào tình trạng thiếu lao động khi thị trường đang phục hồi, doanh nghiệp một lần nữa sẽ rơi vào thế khó, do vậy việc giữ chân người lao động ở giai đoạn này là việc làm cấp thiết.
Nhận thức được vấn đề trên, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã chủ động có những chính sách hỗ trợ thiết thực để thu hút và giữ chân người lao động, đặc biệt là công nhân lao động phổ thông. Bên cạnh việc thưởng Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp còn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động như tặng quà, tổ chức tiệc tất niên, tặng vé xe về quê…
Chị Lê Thị Kiều Oanh, đại diện Công ty may OASIS cho biết: “Đây là một trong những hoạt động quan trọng và thiết thực do đó ban lãnh đạo công ty cũng luôn quan tâm và thực hiện chăm lo như là thưởng lương tháng 13 cho tất cả đoàn viên người lao động, tặng quà tết, hỗ trợ kinh phí vé tàu xe cho người lao động về quê ăn tết”.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ thiết thực, nhiều doanh nghiệp còn giữ chân người lao động không chỉ đơn thuần bằng vật chất mà còn là những sự quan tâm, động viên, tuyên dương những người có thành tích tốt trong công việc.
Ông Phan Quốc Bảo – Công ty cổ phần quốc tế Minh Việt cho biết: "Công ty cũng khuyến khích, tuyên dương những người lao động có thành tích tốt trong năm với những phần thưởng đặc biệt".
Về phía chính quyền thành phố, nhiều chương trình hỗ trợ người lao động cũng đã được triển khai, như: xây dựng nhà ở xã hội, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ vay vốn... Việc đảm bảo quyền và lợi ích người lao động luôn được quan tâm và đặc biệt chú trọng hơn nữa tại thời điểm cuối năm.
Ông Nguyễn Thành Đô – Trưởng ban chính sách pháp luật – Liên đoàn lao động TP.HCM cho biết: “Chúng tôi phối hợp với các doanh nghiệp tiến hành rà soát, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp trong việc sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là xác định rõ lương thưởng tết cho đoàn viên người lao động. Qua các buổi làm việc của liên đoàn lao động thành phố cũng như các cấp công đoàn thì doanh nghiệp năm nay phải đảm bảo được lương thưởng tết, ít nhất bằng với năm ngoái”.
Ngoài ra, để thu hút nguồn lao động, nhiều chương trình hỗ trợ việc làm giúp liên kết nguồn lao động tại các tỉnh thành, giúp người lao động có thể dễ dàng tiếp cận việc làm phù hợp với nhu cầu còn doanh nghiệp thuận tiện tìm kiếm nguồn lao động chất lượng.
Bà Lượng Thị Tới, Phó giám đốc Sở lao động, Thương binh & Xã hội TP.HCM cho biết: “Lao động tỉnh hiện nay có nhiều cơ hội để tìm kiếm việc làm. Tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể, họ có thể tiếp tục làm việc tại thành phố hoặc quay trở về quê hương để làm việc gần nhà hơn. Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến nhằm kết nối người lao động tại các tỉnh thành”.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, các doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn để thu hút và giữ chân người lao động đặc biệt là lao động có tay nghề cao, không chỉ tập trung vào thời điểm cuối năm. Cần chú trọng đến việc đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, nâng cao thu nhập, đảm bảo chế độ phúc lợi và tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, ổn định:
“Đứng ở góc độ doanh nghiệp thì họ cũng cần phải đánh giá lợi ích chi phí ngắn hạn cũng như dài hạn. Trước mắt họ có thể bỏ ra một chi phí nào đó để duy trì công ăn việc làm cho người lao động nhưng mà khi nền kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp có nhiều đơn hàng trở lại thì họ không mất khoảng chi phí tìm kiếm và tuyển dụng lao động, thậm chí là phải đào tạo lao động mới để có thể đáp ứng được yêu cầu về mặc kỹ năng có tính chuyên môn hóa cao”.
Giữ chân người lao động là bài toán không mới nhưng luôn đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt hiện nay. Hy vọng rằng với những nỗ lực của cả doanh nghiệp và người lao động, thị trường lao động TP.HCM sẽ sớm ổn định và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Để giữ chân lao động, các đơn vị sử dụng lao động cần đưa ra mức tiền lương, chế độ làm việc hấp dẫn. Đồng thời có chuỗi chăm lo cho người làm, đảm bảo công việc ổn định, lâu dài chứ không phải ở chỗ thu nhập, tiền thưởng là có thể thu hút nhân sự, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Liên quan đến nội dung này, góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận: “Đừng để "chảy máu chất xám" dịp cuối năm!”.
Thực tế cho thấy, cuối năm là thời điểm người lao động dễ "dao động" nhất. Sau một năm làm việc, họ có xu hướng nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá lại vị trí, năng lực của bản thân và cân nhắc những cơ hội mới. Thị trường lao động cuối năm cũng vì vậy mà sôi động hơn với nhiều lời mời chào hấp dẫn, mức lương, thưởng, phúc lợi tốt hơn. Thêm vào đó, tâm lý "ăn Tết xong nghỉ việc" cũng khiến không ít người quyết định "nhảy việc" sau kỳ nghỉ dài.
Thực ra, chuyện nhân viên "đứng núi này trông núi nọ" cũng chẳng có gì xa lạ trong suốt thời gian qua. Ai mà chẳng muốn mình được đãi ngộ xứng đáng với công sức bỏ ra? Vấn đề là, nhiều doanh nghiệp dường như chỉ giật mình, chợt tỉnh khi thấy nhân viên dứt áo ra đi.
Câu hỏi làm gì để giữ chân người lao động được đề ra trong suốt nhiều năm, nhiều biện pháp đã được các doanh nghiệp thực hiện như nâng mức thưởng tết, tổ chức tiệc tất niên, tặng vé xe về quê… thế nhưng “căn bệnh chảy máu chất xám” vẫn cứ tái diễn mỗi năm.
Thiết nghĩ việc "giữ chân" người lao động hiệu quả, doanh nghiệp cần có chiến lược tổng thể, kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, hãy quan tâm đến người lao động một cách toàn diện. Mức lương, thưởng cạnh tranh, chế độ đãi ngộ tốt, môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ hội thăng tiến rõ ràng... là những yếu tố "cơ bản" để thu hút và giữ chân người lao động hiện nay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động thông qua các hoạt động tập thể, chương trình chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ gia đình,...
Ngoài ra các doanh nghiệp cũng cần ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của người lao động. Sự ghi nhận, khen thưởng kịp thời, công bằng là "liều thuốc" tinh thần mạnh mẽ, tạo động lực để người lao động cống hiến hết mình. Doanh nghiệp nên có những hình thức khen thưởng phù hợp, tổ chức các chương trình vinh danh người lao động xuất sắc, tạo điều kiện cho họ phát triển năng lực.
Bên cạnh đó việc xây dựng văn hóa làm việc, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người lao động cần được chú trọng. Mỗi người lao động cần cảm thấy mình là một phần quan trọng của doanh nghiệp, được tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ. Các hoạt động giao lưu, trao đổi thông tin thường xuyên sẽ giúp người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Riêng về phía người lao động nên “cẩn tắc vô áy náy” trước khi quyết định "nhảy việc" cuối năm, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá thực tế tình hình công việc hiện tại, khả năng tìm kiếm công việc mới và những rủi ro có thể gặp phải sau khi từ bỏ công việc hiện tại.
"Nhảy việc" là một hiện tượng phổ biến trong thị trường lao động, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết. Để giữ chân người lao động, thay vì chạy theo những "phương thuốc" chữa cháy tạm thời các doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài, bền vững để giữ chân nguồn nhân lực. Bằng cách tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng, nơi người lao động được ghi nhận, tôn trọng và có cơ hội phát triển, doanh nghiệp sẽ xây dựng được đội ngũ nhân sự vững mạnh, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Có như vậy mới mong điệp khúc “xuân này con không về”…công ty, không còn vang lên sau mỗi kỳ nghỉ tết.