Những người đầu tiên “chia tay” xe máy, lựa chọn metro số 1

Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là một bước tiến quan trọng trong phát triển hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM. Tuy nhiên, để metro thực sự thay thế được xe máy, vẫn còn nhiều thách thức, từ việc kết nối đồng bộ với các phương tiện công cộng khác đến việc thay đổi thói quen di chuyển của người dân.

Sau những ngày đầu trải nghiệm, liệu người dân thành phố có sẵn sàng “chia tay” với chiếc xe máy quen thuộc để chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng?

Tiếng còi tàu vang lên, đoàn tàu metro số 1 từ từ lăn bánh, hòa vào dòng người hối hả của Sài Gòn. Giữa hàng vạn hành khách, chúng tôi bắt gặp một số người có phần vội vàng hơn, người mang vali hành lý, người tay cầm mũ bảo hiểm, người mang túi xách đến công sở...

Họ là những cư dân đầu tiên của thành phố lựa chọn metro cho hành trình mỗi ngày, thay cho chiếc xe máy đã gắn bó bao năm.

Một số người dân đã chọn metro để đi học, đi làm...
Một số hành khách mang theo hành lý
Hành trang của người dân đã có sự thay đổi

Nhà chị Huỳnh Minh Nguyệt ở TP.Thủ Đức. Thông thường, nếu đi từ nhà lên trung tâm thành phố sẽ thường xuyên đối mặt với chuyện kẹt xe, khói bụi.

“Bình thường đi làm bằng xe máy, tôi đi mất khoảng 45 phút. Đi xe buýt mất khoảng 60 phút. Tuyến metro giúp tôi tiết kiệm thời gian hơn. Đi từ nhà tôi đến đây mất có khoảng 20 phút thôi. Trước đây di chuyển trên đường cũng kẹt xe và hơi bụi nữa. Tôi sẽ sử dụng metro để đi làm”.

Chị Huỳnh Minh Nguyệt (TP Thủ Đức)

Trải nghiệm ban đầu của nhiều hành khách cho thấy tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được đánh giá cao về tốc độ và vệ sinh. Anh Hoàng Tùng, một nhân viên văn phòng tại TP.HCM, cho biết lượng hành khách khá đông trong giai đoạn đầu, chủ yếu do nhu cầu trải nghiệm. Tuy nhiên, anh dự đoán sau giai đoạn ễn phí, lượng hành khách sẽ ổn định hơn, tập trung vào những người sử dụng metro cho mục đích đi làm hàng ngày.

“Bình thường tôi đi xe máy đi làm tầm 1 tiếng. Khi có tuyến metro, tôi đi thời gian ngắn hơn, khoảng tầm 40 phút thôi vì phải di chuyển từ nhà ra bến, từ bến ra công ty nữa. Tuy nhiên, việc đi bộ khá thoải mái, tàu chạy nhanh và tiện. Hy vọng sẽ có nhiều tuyến metro sau này để kết nối với các tỉnh lân cận. Tôi sẽ hạn chế sử dụng xe máy để tăng sự an toàn và bảo vệ môi trường”, anh Tùng nói.

Anh Hoàng Tùng - Công ty AstraZeneca Việt Nam: “Bình thường tôi đi xe máy đi làm tầm 1 tiếng. Khi có tuyến metro, tôi đi thời gian ngắn hơn, khoảng tầm 40 phút thôi vì phải di chuyển từ nhà ra bến, từ bến ra công ty nữa. Tuy nhiên, việc đi bộ khá thoải mái, tàu chạy nhanh và tiện. Hy vọng sẽ có nhiều tuyến metro sau này để kết nối với các tỉnh lân cận. Tôi sẽ hạn chế sử dụng xe máy để tăng sự an toàn và bảo vệ môi trường”.

Trên những chuyến tàu metro Bến Thành - Suối Tiên mỗi ngày, chúng tôi gặp gỡ những hành khách như chị Đỗ Thảo đang làm việc tại Công ty TNHH Tháp Phương Đông. Chị đã chọn đồng hành cùng metro trên hành trình đến công sở, bắt đầu một ngày làm việc đầy hứng khởi.

Điểm bắt đầu từ ga Thảo Điền, điểm kết thúc ở ga Bến Thành, chị Thảo chỉ mất khoảng 10 phút để đến công ty: “Bình thường tôi đi xe máy đi làm, nhưng nay có metro, tôi đã thử phương tiện này thay cho xe máy. Hạ tầng của metro rất ổn, tôi nghĩ đây là phương tiện công cộng mới và sẽ thay đổi bộ mặt giao thông của TP.HCM và giúp cho nhiều người đi lại tiện lợi hơn. Tôi đi mất khoảng 10 phút, lại sạch sẽ, không khói bụi, không kẹt xe nên phù hợp với việc đi làm”.

Chị Đỗ Thảo (Làm việc tại công ty TNHH Tháp Phương Đông): “Bình thường tôi đi xe máy đi làm, nhưng nay có metro, tôi đã thử phương tiện này thay cho xe máy để đi làm. Hạ tầng của metro rất ổn, tôi nghĩ đây là phương tiện công cộng mới và sẽ thay đổi bộ mặt giao thông của TP.HCM và giúp cho nhiều người đi lại tiện lợi hơn. Tôi đi mất khoảng 10 phút, lại sạch sẽ, không khói bụi, không kẹt xe nên phù hợp với việc đi làm”.

Vừa bước xuống từ chuyến tàu metro, ông Nguyễn Minh Nhật (Quận 10) chia sẻ, trước đây ông thường xuyên đi làm bằng xe máy, mỗi ngày là một cuộc chiến với kẹt xe và khói bụi. Nhưng từ khi có metro, ông cảm thấy như được “giải thoát”. Không còn cảnh chen chúc, không còn lo lắng về thời gian. Ông cũng nhắn nhủ mọi người về ý thức khi sử dụng phương tiện công cộng: 

“Trước đây tôi đi làm bằng xe máy. Khi có tuyến metro, tôi đi thử để đánh giá về quãng thời gian, cung đường đi và sức khoẻ của mình xem có tốt hơn không. Tôi đi xe máy từ Thủ Đức lên đây mất cả tiếng đồng hồ, còn đi metro sẽ sạch sẽ và sức khoẻ tốt hơn.

Mọi người khi đi metro cũng nên có ý thức văn hoá sử dụng phương tiện công cộng, ví dụ như khi vào toa ra toa nên có hàng lối và cũng nên nhường nhịn nhau nếu đông quá”.

Từ xe buýt, người dân di chuyển bằng cầu vượt bộ hành để lên nhà ga
Người dân tìm hiểu về thông tin, lịch trình và thẻ lên tàu metro

PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải (Trường Đại học Việt Đức) nhận định, giai đoạn đầu khi mới chỉ có một tuyến metro, việc người dân sử dụng tàu điện để đi làm sẽ chưa thực sự nhiều. Nhưng trong tương lai, khi các tuyến đường sắt khác được hoàn thành và trở thành mạng lưới cơ bản thì sẽ có nhiều người sử dụng: 

“Thành phố phải có chiến lược dài hơi và đầy đủ hơn. Một mặt đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và tích hợp mạng lưới đường sắt đô thị với xe buýt thành một hệ thống thống nhất về giá vé, thanh toán và thông tin. Đồng thời, phải quy hoạch phát triển hệ thống đô thị xung quanh nhà ga, để tập trung nhu cầu hành khách, cải thiện việc tiếp cận và kết nối”. 

Các toa tàu chật kín và người dân vẫn nô nức đi trải nghiệm metro.
Từ ngày 2/1/2025, Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 TPHCM (HURC1) sẽ đưa vào hệ thống kiểm soát quản lý ra vào

Vị chuyên gia cho rằng, việc cải thiện khả năng tiếp cận là yếu tố then chốt để thu hút người dân sử dụng metro. Theo đó, thành phố cần chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho người đi bộ dọc hành lang tuyến metro, đồng thời tổ chức kết nối hiệu quả giữa các tuyến xe buýt gom khách và xe buýt nội thành với các nhà ga.

Từ ngày 02/01/2025, Công TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 (HURC1) sẽ đưa vào hệ thống kiểm soát quản lý ra vào, cụ thể hành khách cần sử dụng mã QR code trên ứng dụng HCMC Metro HURC.

Từ ngày 22/12 - 09/1, hành khách đi tàu đã có thẻ Mastercard có thể mang theo để trải nghiệm ễn phí mà không cần phải đăng ký tạo thẻ và quét thẻ tại các cổng vào, cổng ra có gắn thiết bị đầu đọc. Khách hàng chưa có thẻ Mastercard cần mang theo Căn cước công dân, Căn cước gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID để được hỗ trợ mở thẻ trực tiếp tại nhà ga.

Từ ngày 10/01/2025, khách hàng sử dụng các loại thẻ Visa, JCB, American Express, Union Pay, Napas để quét tại các cổng vào, cổng ra có gắn thiết bị đầu đọc. Thời gian này có thể sớm hơn tuỳ theo tiến độ phối hợp với các tổ chức thẻ.

Từ ngày 20/01/2025, khách hàng có thể dùng thẻ Căn cước công dân gắn chíp, thẻ Căn cước để quẹt thẻ tại các cổng vào và ra có thiết bị đầu đọc.

Đối với trẻ em (dưới 14 tuổi) và các đối tượng khác, nhân viên nhà ga sẽ hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể để hành khách dễ dàng sử dụng dịch vụ khi đi tàu.