Những lưu ý khi đèn cảnh báo áp suất lốp (TPMS) phát sáng

Đèn báo hiệu TPMS sẽ giúp cảnh báo khi áp suất lốp quá thấp. Hệ thống này có nhiều kiểu phát sáng mang ý nghĩa khác nhau và bạn cần phải hiểu rõ ý nghĩa của chúng...

Việc duy trì áp suất lốp là rất cần thiết cho việc vận hành xe, hiệu suất lốp tổng thể và khả năng tải trọng của xe cũng cần được đảm bảo. Bơm lốp đúng cách sẽ làm giảm hiện tượng mòn gai lốp và tăng tuổi thọ cho lốp; giảm ma sát lăn sẽ tăng hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu và tăng khả năng phân tán nước sẽ ngăn ngừa tình trạng trơn/trượt nước. 

Nếu để lốp quá non hơi có thể dẫn đến lực kéo giảm và không có khả năng bám đường tốt khiến lốp xe nhanh mòn và sớm bị hỏng. Hay lốp quá căng có thể giảm tính ma sát, làm lốp sớm mòn, giảm tiêu hao nhiên liệu và khả năng xử lý trên đường kém. 

Ngoài ra, lốp căng quá sẽ có hiện tượng mòn sớm ở phần giữa lốp; còn lốp non hơi sẽ làm mòn cả 2 bên mép ngoài lốp xe khiến bánh xe lăn chậm, giảm hiệu quả sử dụng nhiên liệu, tăng sinh nhiệt làm cho lốp bị quá tải.

Chính vì thế, đèn báo hiệu TPMS sẽ giúp cảnh báo khi áp suất lốp quá thấp. Hệ thống này có nhiều kiểu phát sáng mang ý nghĩa khác nhau và bạn cần phải hiểu rõ ý nghĩa của chúng.

Trước tiên, cần phải biết biểu tượng của đèn báo cảm biến áp suất lốp TPMS. Việc này rất đơn giản vì nó nằm ngay trên bảng điều khiển xe, đó là 1 đèn cảnh báo có hình móng ngựa với dấu chấm than nằm ở giữa.

Đèn cảnh báo TPMS (Tire Pressure Monitoring System) hay còn gọi là “hệ thống giám sát áp suất lốp” là để cảnh báo cho áp suất lốp quá thấp và nó đóng vai trò an toàn cho bạn khi lái xe. Nếu biểu tượng TPMS bật sáng, đồng nghĩa với việc lốp xe đang gặp vấn đề trục trặc, có thể dẫn đến hao mòn lốp và nổ lốp. 

Khi đang lái xe và bạn thấy đèn TPMS đang phát sáng liên tục, có nghĩa là ít nhất 1 lốp xe đang gặp trục trặc áp suất thấp. Hãy kiểm tra tất cả các áp suất lốp xe với dụng cụ đo và xác định nguyên nhân gây rò rỉ hơi, sau đó bơm hơi hoặc cần thiết thì bão dưỡng lốp đạt đúng tiêu chuẩn.

Còn nếu thấy đèn TPMS bật tắt, điều này có nghĩa là khi áp suất lốp gần chạm mức cảnh báo, nhiệt độ thay đổi làm đèn TPMS chớp nháy. Việc này xảy ra do áp suất giảm qua đêm khi nhiệt độ xung quanh giảm khiến đèn bật sáng, sau đó đèn sẽ tắt khi áp suất tăng vào sáng hôm sau do nhiệt độ xung quanh tăng hoặc sinh nhiệt khi lái xe. 

Nếu đèn TPMS nhấp nháy trong khoảng 60 – 90 giây mỗi khi bạn khởi động xe sau đó vẫn sáng bình thường, có nghĩa là hệ thống TPMS đang gặp trục trặc, không hoạt động bình thường. Bạn cần đến trung tâm dịch vụ ô tô để kiểm tra. Đến khi sửa chữa xong, hãy kiểm tra áp suất tất cả lốp xe bằng dụng cụ đo và bơm hơi nếu cần thiết.

Tuy nhiên, đây chỉ là công cụ giúp cảnh báo khi áp suất quá thấp hoặc lốp xe bị mất hơi khá lâu trước khi đèn báo TPMS phát sáng chứ không thể thay thế thói quen kiểm tra và duy trì áp suất lốp thường xuyên. 

Bởi lẽ, dựa vào từng trình trạng, hệ thống TPMS cũng có những giới hạn như: đèn cảnh báo TPMS được cài đặt sẵn phát sáng dưới mức áp suất cần thiết để tải thêm người và hành lý trên xe; thiết bị cảm ứng có thể không truyền đúng thông tin áp suất lốp lên bảng điều khiển trên xe; hệ thống này cũng không xác định chính xác áp suất của một lốp đang quá thấp nếu các lốp xe khác cũng bị rò rỉ áp suất.

Vì vậy, kể cả khi có hệ thống TPMS (Hệ thống giám sát áp suất lốp) thì việc kiểm tra áp suất lốp thường xuyên bằng dụng cụ đo đạc vẫn rất quan trọng trong quá trình vận hành xe, đặc biệt hơn là đảm bảo an toàn cho chính bản thân người lái. 

Việc kiểm tra áp suất lốp nên kiểm tra mỗi tháng 1 lần, trước những chuyến đi xa hoặc khi chở thêm người hay hành lý.