Những cuộc đời mang theo nỗi ám ảnh Carina

Hôm nay, phiên tòa xét xử vụ cháy chung cư Crina khiến 13 người thiệt mạng sẽ như cuốn phim lật lại một phần kí ức đau buồn đã qua, và cũng là bài học đắt giá cho những ai đang làm công việc xây dựng, đảm bảo sự an toàn cho những cư dân.

Cảnh sát dùng xe thang tiếp cận các tầng cao của chung cư Carina để đưa nhiều phụ nữ, trẻ em, người già thoát khỏi đám cháy rạng sáng 23/3/2018. Ảnh: Vnexpress

Vượt qua lằn ranh sinh tử vụ hỏa hoạn cách đây 5 năm ở chung cư Carina là một điều may mắn lớn so với 13 sinh mệnh xấu số đã ra đi mãi mãi. Song, người ở lại vẫn phải sống và mang theo những nỗi đau thương tật về thể chất lẫn tinh thần.

Hôm nay, phiên tòa xét xử vụ án để xảy ra vụ cháy ấy sẽ như cuốn phim lật lại một phần kí ức đau buồn đã qua, và cũng là bài học đắt giá cho những ai đang làm công việc xây dựng, đảm bảo sự an toàn cho những cư dân:

"Luôn cả bệnh nhi là 16 bệnh nhân, tất cả bệnh nhân đều sống sót khi đưa vào Chợ Rẫy. Nếu chậm trễ trong việc nội soi hút bụi than thì bệnh nhân tử vong gần như là điều chắc chắn", bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh, Trưởng phòng Nội soi Hô Hấp, BV Chợ Rẫy kể lại. 

Phóng viên VOV Giao thông tìm lại nhân chứng cũng là người đã nỗ lực cứu chữa những nạn nhân vụ cháy cách đây 5 năm – bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh, Trưởng phòng Nội soi Hô Hấp, BV Chợ Rẫy. Chị  là một trong những người lắng nghe và chứng kiến câu chuyện đau lòng của những nạn nhân năm xưa, phần ký ức phía sau thảm kịch ngày ấy.

Vị bác sĩ nhớ mãi cái đêm định mệnh ấy 23/3/2018, tầm 2 giờ sáng các đồng nghiệp đã báo có rất nhiều nạn nhân đưa vào cấp cứu tại BV Chợ Rẫy. Rạng sáng hôm ấy gần như tất cả bệnh viện toàn thành phố như “báo động đỏ”, xe cấp cứu ngoại viện gần như hú còi khắp đường phố tải thương các nạn nhân vụ cháy Carina. Khi đó BS Thanh đã nhận định ngay đây là thảm kịch chứ không còn là hỏa hoạn thông thường.

Bác sĩ đang làm thủ thuật nội soi phổi cho 1 trong 2 bệnh nhân nặng nhất

Việc đầu tiên chị làm trước khi vào viện là yêu cầu các đồng nghiệp hãy nội soi phổi cho bệnh nhân để nhanh chóng lấy từng giây sự sống cho bệnh nhân. Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 16 bệnh nhân nặng nhất kể cả bệnh nhi. Họ nhập viện đều trong tình trạng bụi than phủ kín, hôn mê sâu. Và đến lúc bác sĩ Vân Thanh vào đến viện chị đã thực hiện thủ thuật nội soi  phổi cho 16 bệnh nhân, từ lúc 6 giờ sáng cho đến 6 giờ tối chị ệt mài rửa những lá phổi đang ken đặc bụi than, cát. Chỉ cần chị dừng lại thì chắc chắn dường như họ chắc chắn sẽ tử vong vì bỏng hô hấp.

Bác sĩ Vân Thanh nhớ lại: “Mình tưởng tượng giống như trong phổi bệnh nhân có hơn 20 cái ống khói bị ám hết. Mình phải lau hết, thật là tỉ mỉ làm sao để cho nó vừa sạch, vừa không tổn thương, làm sao an toàn cho bệnh nhân nữa. Thành ra là một ca nội soi phỏng đường hô hấp trong  vụ chung cư Carina thì mất từ một tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Phổi đen hết toàn bộ, mình phải dùng cái chổi để đưa qua kên thủ thuật của máy soi. Y hệt như mình chùi cái ống khói vậy đó mà có rất là nhiều cái ống khói. Một bệnh nhân là rất là nhiều những cái ống khói  từ ống nhỏ đến ống lớn, mình phải chùi cho nó sạch để bệnh nhân mới có thể thở được”.

Trong số bệnh nhân đó, có một gia đình 5 người gồm: vợ chồng 2 đứa con và mẹ vợ được bác sĩ Thanh cứu sống qua khỏi.

Anh Nguyễn Thanh Sơn không quên ơn những ngày tháng nằm viện, gia đình anh giờ trở về chính căn chung cư ở lầu 3, Lock A của Carina tiếp tục chạy xe nuôi sống gia đình.

Anh Sơn chia sẻ: “Lúc xảy ra vụ hỏa hoạn tui tưởng là chết rồi nhưng không ngờ là sống được, không biết làm sao nữa luôn thấy số mình may mắn hơn những người khác. Các bác sĩ ở Chợ Rẫy bơm thuốc đồ vô, tôi cũng nằm ICU mê man mấy ngày.  Vợ chồng tôi nằm viện 3 tuần, con lớn tôi chừng tháng, còn con nhỏ thì chừng hai tháng. Bà mẹ vợ tôi thì 4 tháng gì đó. Giờ cuộc sống cố gắng vượt qua thôi chứ hoàn cảnh bắt buộc vậy thì biết sống sao giờ”.

Phổi của một bệnh nhân bị ám đầy khói đen, bụi than được soi rõ trên màn hình nội soi.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như gia đình anh Sơn đã trọn vẹn vượt qua thảm kịch. Bác sĩ Vân Thanh vẫn ám ảnh câu chuyện của hai bệnh nhân đặc biệt nhất, nặng nhất năm ấy. Một bệnh nhân mất cả vợ, con, em vợ và anh từng được thêm vào bớt ra trong danh sách các nạn nhân tử vong. Tỉnh dậy sau bao ngày hôn mê sâu anh gần như mất tất cả, bác sĩ phải ủi an để anh tiếp tục bước tiếp.

Còn bệnh nhân thứ 2 thì thường xuyên tái khám nên bác sĩ cũng nắm rõ hoàn cảnh.

Bác sĩ Thanh cho biết: “Cô này là nhân viên của ngân hàng và chuẩn bị kết hôn, nên có mua một căn hộ chung cư Carina, cô này về ở trước và bạn nam thì chưa dọn về. Ở trong vụ cháy Carina bạn ấy cũng là người bị rất nặng, bỏng hô hấp trên dẫn đến sẹo hẹp, nên bị bít hoàn toàn cái vùng dây thanh quản. Bạn ấy không nói chuyện được nữa, mỗi lần vô đây tái khám chỉ toàn viết giấy cho mình thôi. Nhiều lần như vậy tôi có hỏi bạn về cuộc hôn nhân ấy thế nào thì bạn bảo đã chia tay. Đó là một điều rất là buồn”.

Vụ hỏa hoạn gây ra thảm kịch 13 người mất, hơn 60 người bị thương qua 5 năm cũng đã được đưa ra xét xử, pháp luật sẽ làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân. Song, bằng những câu chuyện của những người còn sống, đã ở lại mang những nỗi đau thể xác, tinh thần sẽ là bài học đau đớn cho tất cả.

Những công việc liên quan đến an toàn tính mạng con người bao giờ cũng yêu cầu đặt trách nhiệm lên trên hết, cẩn trọng, khắt khe nhất, để không ai phải rơi vào số phận đối diện với sinh-tử, mất mát, mang nỗi đau cả cuộc đời./.