Những chuyến ra khơi nặng gánh lo

Qua thời gian, nguồn thuỷ sản dần cạn kiệt đã khiến nghề đi biển vốn dĩ gian nan nay càng thêm vất vả. Những chuyến biển “0đ” đã trở thành nỗi ám ảnh của ngư phủ trên vùng biển Tây Nam mấy năm gần đây.

Từng một thời “vàng son”, nghề đi biển đã được nhiều người dân ĐBSCL lựa chọn với mong muốn thoát nghèo. Cũng vì thế mà có một thời gian, lượng tàu thuyền ồ ạt ra khơi tìm kiếm nguồn thuỷ sản không được kiểm soát dẫn đến tài nguyên ngày một khan hiếm. Ngày nay, những chuyến biển, lưới của ngư dân thay vì nặng cá thì lại nặng gánh lo...

Ông Chín, ngụ tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang với hơn 50 năm làm nghề đánh bắt thuỷ sản nhưng chưa từng thấy giai đoạn nào khó khăn như thời điểm hiện tại. Mỗi chuyến tàu khởi hành rời bến là trong lòng luôn nặng gánh lo, lo rằng bữa cơm hôm nay liệu có đủ “thịt với cá”: “Làm nghề này giờ chỉ sống qua ngày thôi chứ dư dả thì không có. Một ngày có thể làm 1-2 triệu, trừ tiền dầu, tiền trả công mướn người thì chỉ còn vài trăm để ăn. Ví dụ hôm nay đi có khi lỗ không biết trước được, cũng có thể có lỗ hoài mà nhiều khi đánh bắt được nhiều cũng có, nghề sông biển không nói trước được. Nhiều lúc làm được dữ lắm, nhiều lúc không có gì chạy lỗ dầu.”

Theo ông Chín, trong mỗi chuyến ra khơi thì nhiên liệu chiếm đến 80% chi phí, giá dầu DO vẫn ở mức cao, làm tăng chi phí rất lớn trong hoạt động đánh bắt của ngư dân. Có tàu đánh bắt xa bờ phải kéo dài thêm thời gian bám biển từ 20 - 30 ngày để hạn chế chi phí nhiên liệu ra vào ngư trường. Nghề đi biển ngày nay không chỉ lênh đênh con nước mà còn chòng chành cả kinh tế là vậy. Cuộc sống nay đây mai đó, lúc dư dã, lúc khó khăn và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Chín chia sẻ thêm: “Nghề biển này nhiều bữa sợ muốn xỉu luôn chứ không phải bình thường đâu. Ra biển đánh bắt mà dông gió bất chợt nhiều chuyến tưởng đâu khó sống. Sóng đánh mà tát nước tát không kịp, sóng đập vào thuyền mà nhiều sóng cao bằng nhà, nhiều hôm về xanh mặt.”

Nguồn thuỷ sản cạn kiệt, chi phí thuyền bè nhân công tăng cao khiến công việc của những ngư dân gặp khó khăn

Ông Cọp - phụ trách lái tàu đánh cá tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cho biết, nghề đi biển hiện nay đã không còn là “giấc mơ đẹp” của bao người, bởi nguồn thuỷ sản ngoài biển dần cạn kiệt. Nguyên nhân do ngày một nhiều tàu thuyền lớn nhỏ ra khơi đánh bắt thiếu kiểm soát khiến nguồn thuỷ sản không kịp sản sinh. Thêm vào đó, giá thành của các loại cá biển không còn “hấp dẫn”, còn giá nguyên liệu thì ngày một tăng: “Như ngày xưa thì có giá hơn. So với lượng dầu ngày trước là 2kg cá phân sẽ mua được 1 lít dầu, còn bây giờ 5kg cá phân mới mua được 1 lít dầu. Ngư dân giờ khó sống lắm. Hồi trước dễ làm vì cá mực nhiều, giờ lượng ghe đông quá rồi làm quanh năm, suốt tháng thì nguồn thuỷ sản sao sinh sản kịp. Dễ lỗ lắm.”

Ngư dân không chỉ khó sống khi giá cá trên thị trường giảm sút, hay nguồn thuỷ sản ngày một khan hiếm mà còn bởi những đối tượng bảo kê bãi. Hiện nay, đối với những bãi cá có tiềm năng, các đối tượng này sẽ “độc chiếm” và cho thuê lại với những ai có nhu cầu đánh bắt. Điều này khiến những chuyến biển của ngư dân càng thêm áp lực:

“Ngày trước chỉ cần ra Hòn Sơn, Củ Tron là làm được rồi đó, còn bây giờ thì đâu còn làm được mấy ghe lưới, ghe ốc giành bãi. Nếu muốn làm ở đó thì phải mua bãi của những người này. Một đêm sẽ có giá từ 1,5 - 3 triệu, tuỳ theo thuyền lớn hay nhỏ. Những bãi này không phải của nhà nước mà là những đối tượng này tự chiếm rồi làm.”

Những chuyến ra khơi nặng nỗi lo...

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều ngư phủ đành phải đánh bắt xa bờ. Và khi mãi mê chạy theo kinh tế, nhiều tàu thuyền đã đánh bắt thuỷ sản trái phép qua địa phận nước bạn dẫn đến cái giá phải trả rất “đắt”.

“Hồi đó còn trẻ, háo thắng cũng đi làm rồi mê kiếm tiền. Lúc đó thường đánh bắt giáp ranh biên giới, thấy cá nhiều quá rồi ham chạy theo cá qua đến biên giới nước bạn rồi bị bắt. Bị bắt 2 lần, ở Indonesia 1 lần, Malaysia 1 lần. Giờ sợ rồi không dám đi nước ngoài nữa đánh bắt ở Việt Nam thôi.”

Nghề đi biển và những chuyến ra khơi ngày nay giống như một ván cược. May thì lưới nặng cá, rủi thì thuyền nặng lo. Cũng vì thế đã có không ít người chẳng chịu nỗi sự khắc nghiệt, cạnh tranh mà dừng lại nhưng vẫn có nhiều ngư dân bám trụ với nghề, xem biển là nhà. Dường như biển đã ngấm sâu vào máu thịt, trở thành hơi thở để mỗi câu chuyện họ mang theo bên mình đều mang dáng hình của biển. Với họ, biển giờ đây không còn là nơi để mưu sinh, mà biển là cả cuộc đời…