Những chiếc hộp ký ức của bệnh nhi ung thư

13 năm trôi qua, cô giáo Kim Phấn lặng thầm gom nhặt ước mơ bình dị của những bệnh nhi tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để đồng hành cùng các thiên thần nhỏ, và lưu giữ những mảnh ký ức còn lại về các em trong những chiếc hộp, như báu vật trao lại cho mỗi gia đình.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Chiếc hộp ký ức

Vượt qua gần 1.000 cây số, hôm nay, cô giáo Kim Phấn mang chiếc hộp ký ức về tận huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi để trao trả cho gia đình bé Lê Nguyễn Thuỳ Dương.

Chiếc hộp xinh xắn, ngoài có dòng chữ “Lê Nguyễn Thuỳ Dương - Cô bé gương mặt xinh xắn, đôi mắt đẹp nhưng rủ buồn. Cầu chúc cho con mọi sự tốt lành.

Cả nhà luôn thương nhớ con”; bên trong là 20 bức hình của Dương lồng vào hoa hướng dương và cuốn vở lúc Dương còn học cùng cô khi đang điều trị ở bệnh viện Ung bướu Tp.HCM. Dương mất năm ngoái, lúc bé mới 10 tuổi.

Ông Lê Lâm, ông nội của bé tay cầm cuốn kỷ vật run run: "Tôi rất xúc động. Xúc động đến nỗi mà không dám nhìn thẳng vào những hình ảnh của cháu. Việc làm cô đầy ý nghĩa. Tình người không thể nói hết được".

"Đây là chồng vở kỷ vật, là những em coi như là đã mất hết rồi; được lưu giữ từ 2009 tới giờ. Thùng này 40 cuốn. Cái chồng vở kỷ vật này lâu lắm rồi tôi chưa có mở ra, mà lần nào chuẩn bị mở ra cũng bị run tay là bởi mình đối diện với ký ức", cô Phấn lật giở từng trang vở của các em, nét chữ như vẫn còn tươi màu mực.

Cô gọi đây là Chiếc hộp ký ức là bởi chiếc hộp lưu giữ kỷ vật của hơn 1.000 bệnh nhi ung thư.

Vở kỷ vật của các em

13 năm, có những cuộc chia ly mà không bao giờ được hẹn trước. Cô không chỉ dạy các bệnh nhi học chữ, học múa, học hát mà còn lần lữa tiễn các bé ra đi.

"Cho dù là các em đến rồi đi rất là nhiều. Nhưng mà tôi còn giữ lại những ký ức ngày mà tôi còn được dạy các em học. Những bài viết, bài văn, bài thơ của các em... Các em bệnh nhi đặc biệt hơn so với những trẻ em bình thường. Bởi vì tuổi đời của các em quá ngắn. Các em được sống trong quãng đời như vậy thì đối với các em nó rất là quý. Và tôi trân trọng những điều đó", cô Phấn chia sẻ. 

Lớp học của cô Phấn vào năm 2009.

Trong một cơ duyên đến thăm bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chứng kiến những đứa trẻ yếu ớt, tay cắm kim chuyền, đầu lơ thơ tóc, cô giáo Kim Phấn - nguyên là giáo viên trường Tiểu học Đuốc Sống, quận 1 không cầm nổi nước mắt.

Hành trình đến với những đứa trẻ ung thư, trong lớp học đặc biệt này là cả chặng đường đầy khó khăn.

Lễ khai giảng đầu tiên của lớp học diễn ra vào ngày 4/9/2009, với 50 học sinh. Thời gian đầu tiên, các cô giáo phải dạy trong phòng bệnh, cứ mỗi lớp học lại có chiếc bàn gấp con con cho 5-6 em.

Trẻ em của 6 phòng bệnh được tập trung thành 4 điểm học.

"Tất cả các em mà tôi đã dạy có một cái điểm chung là các em rất ham học. Khi dạy các em, các em khao khát học như vậy. Không chỉ riêng tôi đâu mà cả những cô giáo đồng nghiệp đều hết sức hết lòng". 

Nụ cười hạnh phúc của các em trong dịp 1/6.

Bảo Đạt, một học sinh hiếm hoi của cô Phấn nay đã trưởng thành, chia sẻ, em may mắn hơn vì được phát hiện bệnh sớm và điều trị khỏi, còn các bạn cùng phòng thời đó đã mất gần hết: "Bao nhiêu năm gặp lại, trái tim của cô vẫn như ngày xưa, vẫn bao la và dành tình yêu thương đến cho các em giống như dành cho tôi ngày xưa vậy... Không khí ở trong lớp vẫn như ngày tôi được cô yêu thương, chỉ bảo và động viên".

Đây là năm thứ 13 cô Phấn tổ chức vui Tết thiếu nhi cho các em tại khu nhà trọ nằm trong khuôn viên Bệnh viện.

"Con không biết nói sao nhưng con vui lắm, có quà có bánh, và được tụ tập lại chơi là vui..."

Tết thiếu nhi trong phòng trọ.

"Mình không biết là lúc nào mình chia tay các em cho nên mình phải quý trọng, nâng niu thời gian ở gần các em, giống như các em cũng vậy, mong được học, được gần cô, được có thêm chút ít kiến thức...Mình với các em một cách tự nguyện. Khả năng mình có chừng nào là mình làm hết chừng đó. Và có thể là làm còn hơn thế nữa…", cô Phấn nói.

Cô Phấn không mong những chiếc hộp ký ức này dầy thêm...

Bao nhiêu năm, buồn thương nhiều, nhưng chưa bao giờ cô từ bỏ.

Cũng giống như những em bé kém may mắn này, cuộc đời còn trao cho những giọt sống, thì còn nhìn về những ngày mai.