Nhức nhối nạn trộm cắp vật tư, thiết bị công trình giao thông

Thời gian qua, nhiều công trình giao thông ở TP.HCM liên tục bị trộm cắp, phá hoại thiết bị, vật tư. Mới đây nhất là tình trạng mất cắp tại dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và hàng trăm tấm đan đậy rãnh thoát nước dọc xa lộ Hà Nội bị đập phá.

Dọc tuyến xa lộ Hà Nội đoạn từ nút giao Cát Lái đến nút giao Tân Vạn, nhiều tấm đan đậy rãnh thoát nước làm bằng bê tông, cốt thép đã bị đập phá nham nhở. Tại khu vực hầm chui nút giao thông Đại học Quốc gia TP.HCM (thuộc phường Tân Phú, TP. Thủ Đức) hàng trăm tấm đan bằng bê tông đã bị đập phá nát bươm.

Những tấm đan có kích thước dài 70cm, rộng 50cm và dày khoảng 7cm, có chức năng che đậy cống thoát nước để chắn rác, bảo đảm an toàn giao thông nhưng đã bị kẻ xấu đập nát vụn phần bê tông, lấy đi toàn bộ phần thép bên trong.

Các tấm bê tông trên tuyến xa lộ Hà Nội bị đập phá để lấy sắt thép (ảnh T.N)

Cũng trên xa lộ Hà Nội đoạn từ chân cầu Rạch Chiếc đến nút giao thông Cát Lái, hàng chục tấm đan đậy rãnh thoát nước đã “không cánh mà bay”. Do không có nắp đậy nên phần rác, bùn thải phía dưới rãnh thoát nước ở xa lộ Hà Nội gây mùi hôi thối, mất mỹ quan đô thị và vô tình trở thành những hố sâu, bẫy người đi đường.

Theo người dân địa phương, tình trạng này đã xảy ra từ vài tháng nay và các đối tượng chủ yếu thực hiện vào ban đêm hoặc sáng sớm:

“Khả năng là nó lấy vào lúc tầm khung giờ từ 2 giờ đến rạng sáng. Thực ra là không biết có đáng tiền gì không nhưng thấy làm vậy thì vô tâm quá”.

“Phụ nữ tay lái yếu, ̀nh chạy ̀nh sợ ak, lỡ sụp xuống đó thì không biết sao”.

“Cơ quan chức năng sớm vào cuộc, thứ 2 là cần làm rõ, điều tra những người có hành vi vi phạm như thế này”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nam (Phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng xa lộ Hà Nội) cho biết, có gần 300 tấm đan bê tông đã kẻ xấu đập phá để lấy thép bên trong bán phế liệu. Một tấm đan có giá trị sản xuất từ 200.000 - 500.000 ngàn đồng, được làm bằng bê tông, bên trong có cốt thép. Hiện đơn vị đã gửi văn bản tới lực lượng chức năng TP. Thủ Đức đề nghị hỗ trợ để điều tra, xử lý đối tượng phá hoại.

Ông Nguyễn Thanh Nam cho biết: “Trước mắt, thì đại điện cho chủ đầu, quản lý duy tu thì đã báo cho địa phương để hỗ trợ để bắt được cái đối tượng. Cái thứ 2, nữa là ̀nh phải lấy kinh phí bảo trì ra để đúc và lắp đặt lại những tấm đan để đảm bảo an toàn.”

Một dự án trọng điểm khác là tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) thời gian qua cũng bị mất cắp thiết bị vật tư.. Cụ thể, chủ đầu tư và các nhà thầu ghi nhận tình trạng mất trộm vật tư, thiết bị ở đoạn trên cao, từ khu vực nhà ga Thảo Điền đến ga bến xe Suối Tiên như việc trộm cắt cáp tiếp địa, tháo các neo tà vẹt...gây ảnh hưởng đến tiến độ và làm mất mỹ quan dự án quan trọng của thành phố.

Theo ông Hoàng Mai Tùng (Phó giám đốc Thường trực Ban quản lý dự án 1, thuộc Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM), ngay sau khi xảy ra sự việc, đơn vị đã phối hợp Công an TP. Thủ Đức và tăng cường nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an ninh: “Ban Quản lý đường sắt Đô thị đã yêu cầu tất cả các công ty bảo vệ của tất cả các gói thầu đều tăng cường nhân sự bảo vệ, tăng cường ca trực, cũng như bổ sung thêm camera trên toàn bộ địa bàn của dự án. Ngoài ra, phía Ban Quản lý đường sắt Đô thị và cũng như các nhà thầu đã có biện pháp là bổ sung thêm chó nghiệp vụ cho các bảo vệ khi đi tuần tra. Đồng thời tăng cường số lượng trực đêm tại các nhà ga, cũng như bổ sung các ca tuần tra dọc theo tuyến vào ban đêm.”

Ngoài 2 công trình trên, nhiều công trình hạ tầng giao thông đô thị, công trình dân sinh ở TP.HCM thời gian qua cũng liên tục bị mất cắp. Đơn cử như hàng trăm đồng hồ cung cấp nước sạch của nhà dân trên các tuyến đường khu trung tâm quận 1 và quận 3 bị cạy phá, lấy cắp, rồi hàng chục nắp chắn rác bằng gang trên cầu Ba Son bị kẻ gian cạy lấy.

Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay hơn đối với hành vi trộm cắp, hủy hoại công trình để tạo sự răn đe, ngăn chặn “tệ nạn” này.