Nhìn nhau mà đỗ

Khi các bác tài đỗ xe, ngoài việc đỗ đúng luật, cũng cần phải đỗ có văn hóa, sao cho dung hòa lợi ích của mình mà không tổn hại lợi ích người khác.

Khi pháp luật chưa thể phân xử, khi cái lý - cái tình ở hai thái cực, những người trong cuộc cần nhìn nhau, lựa nhau mà đỗ.

 

Cách đây vài ngày, VOV Giao thông từng chia sẻ một chủ đề nhận được sự quan tâm của các bác tài, đó là “Quyền cấm đường”.

Nội dung về hiện trạng một số công sở, chủ cửa hàng, chủ nhà mặt phố tự cho mình quyền cho phép hoặc không cho phép một ai đó dừng, đỗ xe. Họ lẫn lộn, hoặc cố tình lẫn lộn giữa sở hữu tư công – tư.

Về lý thuyết, người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Không ai xử phạt được các tài xế đỗ xe ở nơi không cấm đỗ. Nhưng thực tiễn có vô vàn tình huống các quy định chưa thể bao phủ.

Bên cạnh việc phản đối sự cực đoan của một số chủ nhà, cũng có ý kiến cho rằng “không có lửa, làm sao có khói”, nhiều người đã góp ý với các bác tài trong quá trình tìm nơi đỗ xe. Đặc biệt, một số tài xế còn lợi dụng “điểm mờ” pháp luật để trục lợi, đẩy khó khăn cho người khác.

Ngoài việc đỗ đúng luật, cũng cần phải đỗ có văn hóa, sao cho dung hòa lợi ích của mình mà không tổn hại lợi ích người khác. Ảnh: Vietnamnet

 

Ví dụ điển hình: một viên tài xế nọ ở Hà Nội cứ thuê được căn trọ trong ngõ rộng, ô tô có thể vào, là lập tức chiếm một phần ngõ ngay bên… hông nhà của người khác để đỗ xe. Khi chủ nhà có ý kiến, anh ta đăng bài lên mạng, phân tích các quy định và tỏ ý thách thức, vì vị trí đó không cấm đỗ xe.

Không khó để nhận ra, người tài xế quá ích kỷ, không muốn bỏ tiền gửi xe vào bãi mà chiếm cứ không gian công cộng. Còn người chủ nhà kia, vừa phải bỏ số tiền lớn hơn để mua, thuê nhà, nhưng lại ấm ức không được hưởng giá trị gia tăng là “ô tô đỗ cửa”.

Một ví dụ khác: một gia đình tại huyện Hoài Đức, Hà Nội nhiều ngày qua liên tục bị người lạ dàn xe ô tô đỗ chắn cửa nhà có chủ đích, khiến gia đình ông thường xuyên muộn làm, khó khăn trong sinh hoạt, kinh doanh.

Theo phân tích của luật sư, với các quy định hiện hành, cơ quan chức năng cũng rất khó xử lý.

 

Các bên đều có lý do biện hộ cho những hành vi cực đoan ấy. Bên đỗ xe nói lý, bên chủ nhà nói tình, nếu không bên nào chịu nhường sẽ xảy ra tranh cãi, va chạm, xô xát.

Ngược lại, khi cả hai bên đều chịu nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của người đối diện, chuyện to lại hóa chuyện nhỏ, chuyện nhỏ hóa không có gì.

Khi người tài xế hiểu rằng, việc đậu xe có thể gây bất tiện cho gia đình người khác, một mảnh giấy xin lỗi kèm số điện thoại và cam kết sẽ rời đi ngay khi có yêu cầu sẽ khiến gia chủ không đến mức gay gắt hoặc phá hỏng phương tiện chắn cửa, chặn đường kinh doanh của mình.

Khi chủ nhà cư xử văn nh, lời nói nhã nhặn, không cắm biển, kẻ vạch giữ chỗ, không tự ý ra thu tiền đỗ xe, mọi chuyện có lẽ sẽ không bị leo thang căng thẳng.

Suy cho cùng, khi các bác tài đỗ xe, ngoài việc đỗ đúng luật, cũng cần phải đỗ có văn hóa, sao cho dung hòa lợi ích của mình mà không tổn hại lợi ích người khác. Khi pháp luật chưa thể phân xử, khi cái lý - cái tình ở hai thái cực, những người trong cuộc cần nhìn nhau, lựa nhau mà đỗ./.