Nhiều ý kiến xung quanh đề xuất thu phí vỉa hè, lòng đường

VOVGT - Sở GTVT Tp.HCM đang xây dựng đề án mới về thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè và đề nghị các sở ngành liên quan có ý kiến để trình UBND Tp.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Việc sử dụng vỉa hè để trông xe có thu phí hiện đang gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận. Ảnh: Dân Việt

Thành phố Hồ Chí Minh có 345 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh và cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí. Trong đó, có 160 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng, 112 tuyến đường cho sử dụng một phần vỉa hè phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa, 73 tuyến đường cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí.

Hiện chỉ có Quận 1, Quận 3, Quận 5 đã triển khai việc thu phí sử dụng lòng đường để đỗ ô tô. Tuy nhiên, việc thực hiện thu phí dưới hình thức phiếu thu theo lượt với mệnh giá 5.000 đồng/xe/lượt là quá thấp. Ngoài ra, việc một số quận vẫn chưa triển khai tổ chức thu phí dẫn đến nhiều trường hợp lợi dụng vấn đề này để biến lòng lề đường thành bãi đỗ xe suốt thời gian dài.

Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng một đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè mới sẽ giúp quản lý việc sử dụng một phần công năng của lòng đường, vỉa hè có hiệu quả, đúng mục đích, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…

Đề án dựa trên cơ sở diện tích đất sử dụng, giá đất hằng năm do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành vào năm 2014 và tỉ lệ phần trăm giá đất theo quyết định của thành phố vào năm 2017. Theo đó, nếu sử dụng tạm thời vỉa hè để làm bãi giữ xe, kinh doanh ẩm thực, chợ đêm và một số hoạt động dịch vụ khác thì phải đóng phí…Mức phí sẽ tùy vào khu vực tính từ trung tâm ra ngoài.

Nhiều người dân đang kinh doanh có liên quan đến vỉa hè ủng hộ việc thu phí sử dụng một phần vỉa hè và cam kết sẽ đảm bảo an toàn giao thông. Ông Nguyễn Trung, phường 25, quận Bình Thạnh cho biết: Chuyện đó mình đồng ý thôi, đồng ý rồi thì mình sẽ làm gọn gàng, không có lấn chiếm vỉa hè.

Ý kiến của ông Nguyễn Trung:

 

Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh băn khoăn là mức thu phí như thế nào cho hợp lí. Một số hộ kinh doanh ăn uống thì cho rằng, việc thu phí này sẽ khiến cho buôn bán khó khăn hơn và cuối cùng thì chính người tiêu dùng sẽ phải gánh khoản phí này.

Chị Lan, chủ một quán cơm cho rằng: Việc thu phí sẽ ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của chị vì nếu mà thu vậy thì chi phí cao, khó buôn bán thì người dân phải chịu.

 

Ở góc độ chuyên gia, Tiến sỹ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh, ủng hộ đề án này. Theo ông, vỉa hè là của công và ai sử dụng, khai thác, hưởng lợi thì phải trả tiền để nhà nước lấy tiền đó làm hạ tầng. Đề án mà ngành giao thông đang triển khai lấy ý kiến cần lưu ý: hài hòa được lợi ích giữa người dân và nhà nước, quy định rõ ràng vỉa hè chỗ nào khai thác, chỗ nào không, giá cả cụ thể và nhất là không được làm ảnh hưởng đến giao thông, đảm bảo công khai, nh bạch.

Tiến sỹ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh nói: Việc này đụng đến lợi ích nhiều bên thì phải công khai, nh bạch để mọi người cùng tham gia hỗ trợ nhau. Không nh bạch dễ nảy sinh xung đột trong nội bộ dân, giữa dân với chính quyền hoặc là các bên có liên quan khác. Phải phân tích sao cân đối hài hòa, lợi ích đó.

Nghe ý kiến của Tiến sĩ Võ Kim Cương: 

 

Còn Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học – kỹ thuật môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lại băn khoăn là một số vấn đề của dự thảo đề án chưa hợp lí. Ông Ninh phân tích: Những người buôn bán lòng lề đường chủ yếu là dân nghèo, sống dựa vào đó. Khi kinh doanh người ta đã nộp thuế kinh doanh, như vậy nếu như có thêm một loại thuế phí nữa thì lại thêm gánh nặng. Vì thế, cần phải có quá trình để người buôn bán vỉa hè đổi nghề. Trước mắt, ta để một diện tích buôn bán tối thiểu không ảnh hưởng đến việc đi lại trên vỉa hè, lấy quyền lợi của đại đa số người dân là chính.

Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh nói: Đồng ý là không cấm người ta buôn bán khi chưa có nghề thay thế kiếm sống. Nhưng mà nên hạn chế và đảm bảo lề đường cho người đi bộ có chỗ đi. Phải đảm bảo người đi bộ có đường đi, vừa giúp người nghèo trước mắt có thể sống được.

Nghe ý kiến của Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh:

 

Lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè là chủ trương đúng và cần phải tiếp tục, làm quyết liệt. Tuy nhiên, cách làm như thế nào cho hợp lí và đảm bảo hài hòa lợi ích là vấn đề quan trọng mà các cơ quan chức năng cần tính toán kỹ lưỡng.