Nhiều xe đưa đón học sinh đang kết hợp chạy du lịch, đám cưới

Xuất phát từ nhu cầu thực tế và thu nhập của lái xe, một số ô tô đưa đón học sinh kết hợp chạy thêm các dịch vụ đám cưới, tham quan du lịch. Trong khi phụ huynh lo ngại về các nguy cơ mất an toàn, cơ quan xây dựng Luật cũng đang tìm cách lấp các “khoảng trống” trong quy định.

15h30 hàng ngày anh Nguyễn Quốc Khánh và “bạn đồng hành” là chiếc xe 29 chỗ đã có mặt tại cổng Trường Tiểu học Newton đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội chuẩn bị đón học sinh.

Đã có hơn 30 năm cầm lái, thu nhập từ công việc đưa đón học sinh chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng nếu làm đủ 22 công, nên nhiều lúc anh Khánh phải tranh thủ chạy thêm.

"Anh chạy tour bao nhiêu năm rồi, bây giờ có tuổi rồi muốn gần gũi gia đình hơn thì mình chạy xe đưa đón học sinh. Sau dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến công việc rất nhiều, thu nhập trong ngành vận tải rất kém, cộng thêm bây giờ xăng dầu tăng cao, cước xe thì thấp nên ảnh hưởng rất lớn.

Công việc chạy xe đưa đón học sinh mất nhiều thời gian, nên giữa giờ anh em tranh thủ chạy dịch vụ quãng ngắn, thứ 7 chủ nhật mới chạy dài được thì tổng thu nhập mới được khoảng 8-9 triệu đồng/tháng", anh Nguyễn Quốc Khánh cho biết

Do thu nhập từ công việc khá thấp nên nhiều tài xế xe đưa đón học sinh phải tìm việc để chạy thêm

Anh Khánh cũng chia sẻ, do thu nhập từ công việc này khá thấp nên anh và nhiều đồng nghiệp đều phải tìm việc để chạy thêm, nhưng năm thì mười họa mới có khách:

"Bây giờ thu nhập bấp bênh hơi ngày xưa, kiếm đồng tiền khó hơn, xưa nhiều việc ít xe, nay nhiều xe ít việc. Vì thế bọn anh chạy thêm cho các trường tiểu học cho các cháu đi dã ngoại, hoặc chạy đám cưới, đám hiếu hỉ kết hợp vào, tùy mình sắp xếp, nếu đi hơn giờ sẽ sắp xếp xe khác để đưa học sinh về".

Việc xe đưa đón học sinh kết hợp với dịch vụ khác nhiều phụ huynh lo ngại về các nguy cơ thiếu an toàn, như chẳng may xe bị va quệt, hỏng hóc chưa kịp sửa và xe quay vòng liên tục sẽ không đảm bảo an toàn kỹ thuật, hoặc chính tài xế không đảm bảo sức khỏe:

"Khi chạy đua ngoài giờ sẽ ảnh hưởng đến lịch trình, thời gian đưa đón các cháu; về kỹ thuật sẽ không an toàn, khi người ta gọi thêm đối tác khác những lúc bận không đón đưa được. Chẳng may có vấn đề gì xảy ra ai là người chịu trách nhiệm chính, phụ huynh chúng tôi khá lo lắng".

"Tôi thấy thực sự không an toàn, lái xe trong khoảng thời gian dài rất mệt mỏi, xe cũng không đảm bảo có thể hỏng hóc hoặc va chạm".

Việc xe đưa đón học sinh kết hợp với dịch vụ khác nhiều phụ huynh lo ngại về các nguy cơ thiếu an toàn

Đồng cảm với những khó khăn của cánh tài xế và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xe đưa đón học sinh, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng có thể  tận dụng thời gian xe trống và lái xe có thể “làm thêm” để cải thiện thu nhập, nhưng cũng cần ràng buộc kỹ trách nhiệm đảm bảo an toàn khi chở học sinh:

"Lái xe có quyền tham gia các hoạt động vận tải hợp pháp khác. Tuy nhiên trong hợp đồng kí với nhà trường phải lưu ý những dịch vụ đó phải đảm bảo kịp thời gian đưa đón học sinh và có dự trữ thời gian để kiểm tra kỹ thuật, kiểm tra an toàn thì hãy làm.

Nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm trước nhà trường và trước pháp luật, cái đó phải có ràng buộc thì người ta mới làm hết trách nhiệm và phải coi an toàn là yếu tố số một".

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thủy, do chưa được quản lý chặt chẽ, hoạt động đưa, đón học sinh bằng xe ô tô nhiều nơi còn lộn xộn, thiếu an toàn, nhiều phương tiện cũ kĩ và thực tế đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

Trước lo ngại này, ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết: Luật Giao thông Đường bộ 2008 quy định hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô dưới 2 hình thức là xe buýt và xe hợp đồng, nhưng chưa cụ thể, rõ ràng. Vì thế, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định chặt chẽ.

"Đối với xe ô tô phải đáp ứng các điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và có niên hạn không quá 15 năm. Đồng thời trên xe phải có các thiết bị cảnh báo hoặc đăng kí màu sơn để nhận diện.

Xe dử dụng đưa đón học sinh tiểu học, mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dựng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi. Đối với lái xe phải có kinh nghiệm tối thiểu 2 năm lái xe kinh doanh vận tải hành khách", ông Đỗ Công Thủy nói.

Ông Thủy cho biết thêm, dự thảo Luật lần này đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong hoạt động đưa, đón học sinh bằng ô tô; tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh quy trình đảm bảo an toàn khi đưa, đón học sinh.

Đối với học sinh tiểu học, mầm non cơ sở giáo dục phải bố trí mỗi xe ít nhất một cán bộ hướng dẫn, quản lý và giám sát trong quá trình đưa đón.