Nhiều nỗi lo khi trường học mở cửa trở lại

Dù rất mong mỏi trường học mở cửa trở lại, song nhiều phụ huynh cũng không khỏi băn khoăn...

Ảnh nh họa - Vietnamnet

Phụ huynh vừa mừng vừa lo

Khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, người lao động luân phiên đi làm trở lại, gia đình chị Phạm Hồng Thương, ở Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội phải thay nhau ở nhà quản lý và kèm cặp 2 đứa con học online. Dù rất mong mỏi trường học mở cửa trở lại, song chị Thương cũng không khỏi băn khoăn: "Diễn biến của dịch bệnh rất khó lường, nếu chẳng may trong trường có một ca F0 thì các cháu có thể liên quan, phải đi cách ly, việc học tập của các con lại bị gián đoạn".

Cùng chung nỗi lo này, anh Đỗ Hoàng Thắng, ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ, từ khi Hà Nội cho phép lao động đi làm trở lại, gia đình anh phải nhờ bà nội lên trông cháu, nhưng cũng không yên tâm, vì mỗi khi bà không thể quán xuyến việc học trực tuyến của các cháu: Cũng mong muốn các cháu được đến trường để học tập, nhưng cũng rất lo không biết đến trường có an toàn không".

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến ngày 28/9, đã có 25 tỉnh, thành phố cho học sinh đến trường; 13 tỉnh, thành đang áp dụng cả hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình. 3 thành phố lớn là TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội vẫn học trực tuyến. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nếu tình hình dịch kiểm soát tốt thì khoảng đầu tháng 11/2021, học sinh các cấp sẽ quay lại trường. Trong các kịch bản đang được dự thảo cũng đặt ra các phương án về việc đưa dần học sinh trở lại trường sớm hơn.   

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay, để chuẩn bị cho việc đón học sinh nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, con người, dụng cụ để phòng chống dịch bệnh…, lên phương án cho học sinh đến trường bằng xe đưa đón, đi phương tiện cá nhân, giám sát theo dõi các em trong quá trình học tập, vui chơi để kịp thời phát hiện và xử lý với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở…  

Thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ, dù lên kế hoạch khá kỹ lưỡng, song cũng không ít lo ngại các tình huồng phát sinh: "Khó khăn lớn nhất đấy là giãn cách giữa các học sinh. Ví dụ một lớp mà tách làm 2 thì cũng không đủ nhân lực để dạy. Nếu để ngồi một phòng khoảng 30-35 em thì hợp lý. Nhưng với những trường từ 40-50 học sinh/lớp thì thế nào. Thứ 2 nữa là giờ ra chơi hoặc nghỉ, rất khó có thể các em không tụ tập với nhau, không có đủ nhân lực để kiểm soát hoạt động đó". 

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, dù việc đón tiếp, kiểm tra thân nhiệt, phân luồng học sinh đến và về theo lối đi riêng, song, nỗi lo về dịch vẫn luôn thường trực: "Nếu được việc tiêm chủng cho các cháu nữa là tốt nhất. an tâm nhất chứ không thì thực sự chưa biết nó bùng ra lúc nào".    

Tại TP. HCM, việc đón các em đến lớp còn khó khăn hơn. Lãnh đạo một trường tiểu học tại quận Thủ Đức, TP. HCM cho biết, dù đã có kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, nên việc chuẩn bị các phương án đón học sinh cũng đã được thực hiện. Song với hàng nghìn học sinh còn nhỏ tuổi, ý thức và kỹ năng phòng bệnh kém là một thách thức rất lớn đối với nhà trường: "Học sinh đông như thế, chúng tôi không thể kiểm soát được việc em nào bị, cháu nào bị, nó có biểu hiện lại đơn giản, không có biểu hiện mới là lo. Ví dụ có một học sinh dương tính thì ít nhất trong lớp đấy đã phải cách ly toàn bộ, bên cạnh đó là cả trường cách ly. Vậy thì cách ly đó như thế nào?   

Mặc dù còn băn khoăn, lo lắng, song các địa phương, các trường đều đang nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tranh thủ tối đa thời gian khi dịch bệnh kiểm soát được để học sinh đến trường.

Cần làm gì để mở cửa trường trở lại?

Ảnh nh họa - Thanh Niên

Đánh giá nguy cơ lây bệnh từ trường học, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng nguy cơ này là có, song qua các đợt dịch trước đây, ý thức phòng bệnh của học sinh, của các nhà trường đã tốt hơn. Do vậy, cần xác định mục tiêu chống dịch là hàng đầu, nhưng mục tiêu giáo dục cho các cháu, nhất là các cháu đầu cấp cũng rất quan trọng, nên các địa phương cần tính toán để cho các cháu có thể đến trường trong điều kiện an toàn và hiệu quả nhất: "Khi dịch xảy ra ở một lớp nào đó thì chúng ta cũng có thể phong tỏa, truy vết để giải quyết nhanh hơn. Cần nhất là phải đánh giá việc cho các cháu đi học, chứ nếu cứ bắt các cháu nghỉ học thì cũng là cái rất nan giải". 

PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam cũng cho rằng, các em đều chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19 nên việc phòng bệnh đóng vai trò quan trọng. Trong khi đó, nhiều em còn nhỏ tuổi, ý thức và kỹ năng phòng bệnh còn hạn chế, nên các nhà trường cần nâng cao mức độ phòng dịch: "Phải có những cái kiểm tra nhanh, xử lý nhanh được, thứ 2 là phải có các điều kiện về y tế, có phòng y tế, rồi phải có những người có chuyên môn để họ có thể quản lý được vấn đề sức khỏe của cán bộ, giáo viên và các em".

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe cũng cho rằng, quan trọng nhất là ý thức của từng giáo viên và từng học sinh trong việc phòng bệnh. Ngoài ra, khi các “vùng xanh” mở cửa trở lại, để các em học sinh đi học bình thường thì cần tránh việc phun thuốc khử trùng một cách ào ạt: "Một giải pháp lâu dài, đó chính là vấn đề vaccine. Các nước xung quanh chúng ta như Singapore, Thái Lan đã dùng vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên cho nên hướng là chúng ta tiến tới chiến lược vaccine để đảm bảo rằng toàn bộ trẻ em có thể quay lại trường học".   

Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần tranh thủ tối đa thời gian vàng khi dịch bệnh kiểm soát được để dạy học trực tiếp. Trước đó, Bộ này cũng ban hành hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học ở các cấp, xác định nội dung cốt lõi để các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học trong tình huống linh hoạt, sẵn sàng chuyển hình thức dạy học. 

---

Để tìm hiểu thêm, quý thính giả có thể lắng nghe trao đổi giữa phóng viên VOVGT với các vị khách mời trong Diễn đàn 91 với chủ đề: Khi nào có thể mở cửa trường học trở lại? với sự tham gia của các vị khách mời: GS. Lê Vũ Anh Chủ tịch Hội Y tế Công cộng và PGS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia giáo dục, Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Nội dung chi tiết cuộc thảo luận tại đây: