Nhiều nhà trọ “vắng bóng” người thuê

Thời gian qua những người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng dần rời bỏ phố thị để trở về quê hương. Điều này kéo theo hệ lụy là hàng loạt nhà trọ tại các khu vực vùng ven, nơi vốn tập trung đông đúc công nhân, rơi vào cảnh ế ẩm, vắng bóng người thuê.

  

Không ít nơi trọ rơi vào tình cảnh cửa đóng then cài

Ghi nhận tại các “thủ phủ” nhà trọ ở TP.HCM như quận Bình Tân, huyện Bình Chánh hay Thủ Đức… chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự vắng vẻ, đìu hiu. Dọc theo các tuyến đường như Hồ Học Lãm, Trần Văn Giàu, Quốc lộ 1A…, những tấm biển "Cho thuê phòng trọ", "Còn phòng giá rẻ" xuất hiện nhan nhãn, thậm chí có những nơi còn treo bảng từ mấy tháng trời nhưng vẫn không có người hỏi thuê.

Anh Phạm Thành Trung – Chủ một nhà trọ tại Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân chia sẻ: “Ở đây khoảng ba mươi mấy phòng mà giờ trống khoảng 10 phòng, phòng này cho thuê 1 triệu 3 nhà trọ này mình thuê lại rồi đầu tư cũng nhiều, mà giờ không có người thuê thì cũng thất thu nhiều.

Do công nhân bị thất nghiệp công ty ít hàng rồi giảm biên chế rồi làm không đủ sống thì công nhân họ bỏ về quê, giờ chỉ còn mấy anh làm hồ rồi mấy em sinh viên thuê để trọ học thôi”.

Có những phòng để không hàng tháng trời không người hỏi thuê

Không chỉ riêng anh Trung mà nhiều chủ nhà trọ khác cũng trong tình cảnh tương tự. Với hơn 4 phòng trống thế nhưng đã nhiều tháng qua nhà trọ của anh Trần Công Nhân (Phường An Lạc, Quận Bình Tân) vẫn không có ai đến hỏi thuê lại, xót ruột nhìn về những phòng bỏ không, anh Nhân cho biết, việc trống phòng thời điểm cuối năm đã không còn là chuyện quá xa lạ đối với các chủ cho thuê kể từ sau đại dịch COVID-19:

“Giai đoạn trống phòng lâu nhất sẽ là giai đoạn này, là giai đoạn tháng 11 tháng 12 cho đến qua tết, dao động tầm 3 tháng. Cứ tới giai đoạn này là trống phòng nhiều nhất vì nhiều khu công nghiệp sẽ chủ động cắt giảm nhân sự trước tết dương lịch, năm nào cũng vâỵ cứ tới giai đoạn này là người lao động về quê rất nhiều luôn, gần tết thì đâu có ai mà lên thuê trọ làm gì nữa, người ta sẽ ở quê rồi sau tết người ta mới lên lại Sài Gòn để tìm kiếm công việc người ta mới thuê trọ lại”.

Những bảng hiệu cho thuê phòng, số điện thoại liên lạc được in rất rõ để người lao động dễ dàng nhận thấy

Ngoài chủ nhà trọ thì những người buôn bán nhỏ lẻ cũng bị ảnh hưởng bởi lượng công nhân giảm sút. Với việc buôn bán tạp hóa và đồ ăn sáng, mỗi ngày thu nhập của chị Nguyễn Thị Kim An vào khoảng từ 1 triệu đến 2 triệu đồng, thế nhưng giờ đây với lượng công nhân giảm sút và mọi người cũng thắc chặt chi tiêu hơn nên thu nhập chỉ còn vài trăm nghìn đồng.

Chị An chia sẻ: “Nhiều người họ làm không được, công ty họ cho nghỉ, không có việc làm rồi họ nghỉ họ đi về quê. Lúc trước bán một ngày còn được 1 2 triệu, giờ bán 1 ngày có trăm mấy, có khi không có tiền luôn”.

Dù giá thuê rất rẻ nhưng nhiều nhà trọ vẫn còn phòng trống

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người lao động rời Thành phố về quê là do các công ty, xí nghiệp cắt giảm lao động, khiến nhiều công nhân mất việc làm, thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Bên cạnh đó, mức sống tại thành phố ngày càng tăng cao cũng là một áp lực lớn đối với người lao động. Chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, tiền học hành cho con cái… khiến nhiều người không đủ sức chi trả.

Đã thất nghiệp hơn 3 tháng qua, nhưng anh Nguyễn Văn Tiên vẫn cố gắng bám trụ lại Thành phố với hy vọng tìm được việc làm khác ổn định hơn, anh Tiên chia sẻ: “Em làm không có tăng ca rồi công ty cũng hết hàng thì em cũng đã nghỉ mấy tháng nay rồi. Giờ thì mình ở đây lây lất để khi nào công ty họ tuyển thì mình vô làm lại chứ giờ về quê không có việc gì làm hết”.

Theo khảo sát mới đây từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức di dân quốc tế (IOM) với hơn 1000 công nhân tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai thì đã có 15,5% lựa chọn sẽ về quê trong thời gian tới, 44,6% đang lưỡng lự và 39,9% chưa có dự định.

Có thể thấy ‘làn sóng’ rời thành phố của công nhân hiện nay vẫn âm ỉ tiếp diễn, nhằm giữ chân cũng như hỗ trợ việc làm cho người lao động trong thời gian tới, các trung tâm giới thiệu việc làm thành phố đã thực hiện nhiều chương trình làm cầu nối người lao động và các đơn vị đang có nhu cầu.

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục – Giám đốc trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM cho biết: “Các trung tâm dịch vụ việc làm điều giới thiệu việc làm ễn phí đối với người lao động và đối với trung tâm giới thiệu việc làm tại TPHCM cũng như các tỉnh thì chúng tôi cũng mong muốn là người lao động hãy tin tưởng đăng ký tìm việc làm đối với các trung tâm lao động chúng tôi để khi có việc làm thì chúng tôi sẽ kết nối liền”.

Nhiều nhà trọ rơi vào cảnh ế ẩm khi không có ai hỏi thuê ở thời điểm cuối năm

Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà trọ đã chủ động cách thích nghi để "giữ chân" người thuê. Có người giảm giá phòng, có người đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị thêm tiện nghi như wifi, máy lạnh, chỗ để xe… để thu hút khách.

Anh Trần Công Nhân chia sẻ thêm: “Mình phải cải thiện để tìm lại nguồn khách, qua đó thì mình sẽ giữ, không tăng giá rồi anh sẽ có những ưu đãi như giảm tiền cọc cho khách, nói chung mình phải linh động và chìu khách hơn, trước giờ nhà trọ 23h đóng cửa thì sẽ có những công nhân tăng ca hay những anh chị Grab đặc thù công việc phải chạy đêm hôm thì mình phải chờ mở cửa cho người ta, mình hỗ trợ cho họ thì công việc ổn định thì từ đó người ta mới có nguồn thu nhập đóng tiền trọ cho mình”.

Có thể thấy với những giải pháp đã và đang thực hiện chỉ là những giải pháp tình thế, bài toán về vấn đề bỏ phố về quê, thiếu hụt lao động, nhà trọ ế ẩm tại TP.HCM vẫn cần có những giải pháp đồng bộ và lâu dài hơn từ các cơ quan chức năng.