Nhiều doanh nghiệp núp bóng dự án để khai thác khoáng sản trái phép

VOVGT - Không chỉ lập dự án để nạo vét luồng lạch, mà nhiều doanh nghiệp còn núp bóng dự án, tàn phá đất rừng, khai thác khoáng sản.

Thực tế, việc nạo vét luồng lạch khơi thông dòng chảy để đảm bảo cân bằng sinh thái, tăng hiệu quả thoát lũ và đảm bảo giao thông vận tải trong mùa khô. Thế nhưng, trong những năm gần đây lợi dụng vào các dự án được cấp phép để nạo vét luồng lạch nhiều công ty doanh nghiệp đã biến tướng thành tận thu cát. Theo bà Bùi Thị An, Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, thực trạng này không chỉ xảy ra ở 1 dòng sông mà hiện nay vấn đề này đã xuất hiện khá nhiều trên các tỉnh thành trong cả nước.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Minh Phong cho rằng, dòng sông là một thực thể sống và thống nhất, do đó cần phải được quản lý thống nhất và có kế hoạch cũng như nêu cao tinh thần trách nhiệm. Trong thời gian gần đây, phương tiện truyền thông đã phản ánh nhiều về thực trạng các dự án đua nhau mở để thực hiện việc nạo vét dòng với lý do là khơi thông dòng chảy phục vụ cho vận tải, vận chuyển. Tuy nhiên,ai cũng hiểu đằng sau đó là nguồn lợi từ việc khai thác cát hoặc sỏi đá và nhiều tài nguyên khác. Vấn đề này hiện vẫn tồn tại là bởi có những kẽ hở trong công tác quản lý.

Các công ty nạo vét luồng lạch chỉ thích hút cát, sỏi bán mà "quên" nhiệm vụ chính

Không chỉ lập dự án để nạo vét luồng lạch, mà nhiều doanh nghiệp còn núp bóng dự án, tàn phá đất rừng, khai thác khoáng sản. Đơn cử như hàng loạt các địa phương như Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông… thuộc ền rừng tỉnh trung du Phú Thọ đang rất đau đớn trước thực trạng tàn phá đất lâm nghiệp không thương tiếc. Đa phần là đất trồng rừng sản xuất của người dân được giao khoán, chính quyền địa phương và các công ty lâm nghiệp quản lý. Theo các đầu nậu chuyên mua bán đất lâm nghiệp để khai thác đất, khoáng sản ở những địa phương này, có thể mua bao nhiêu cũng có. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến bạt ngàn đất lâm nghiệp biến mất phần nhiều đến từ việc cơ quan chức năng cấp phép cho các doanh nghiệp đổ xô khai thác.

Và mới đây nhất, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trình Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc phê duyệt chủ trương quy hoạch xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh hằng Vĩnh Phúc tại khu vực núi Ngang, thuộc địa bàn xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo. Dự án với hơn 70 ngàn mộ cải táng và 8 toà tháp với 2 triệu ngăn đựng tro cốt người sau hoả táng. Đáng chú ý hơn, đó là toàn bộ diện tích 150ha đất trồng rừng phòng hộ được nhắm đến đều thuộc khu vực Núi Ngang, xã Bồ Lý - là hai địa danh đã được thăm dò khoáng sản, kết quả cho thấy đây là khu vực có trữ lượng khoáng sản hết sức dồi dào.

Về vấn đề pháp lý, luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh cho biết, theo quy định của luật khoáng sản, việc khai thác khoáng sản phải tuân theo những quy định rất chặt chẽ về nguyên tắc, chủ trương, điều kiện cũng như là trình tự thủ tục, gắn với việc bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, cũng như di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác. Đồng thời, phải bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Các doanh nghiệp muốn khai thác khoáng sả thì chỉ được tiến hành khi được cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép. Và khai thác khoáng sản phải lấy kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để tiếp tục đầu tư. Đồng thời, pháp luật quy định, cấm các hành vi lợi dụng khai thác khoáng sản để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, lợi dụng thăm dò để khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Theo các chuyên gia, để chấm dứt thực trạng này, các cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời có những biện pháp tuyên truyền giáo dục để nâng cao ý thức của các cán bộ có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước, để thực hiện quản lý khai thác khoáng sản được chặt chẽ và có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn nữa đối với những hành vi vi phạm. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường, mở rộng quyền giám sát của quần chúng nhân dân, nhằm phát hiện kịp thời và ngăn chặn vấn nạn này.