Nhiều cá nhân, tổ chức chung tay góp sức chống dịch

Sau khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, toàn TP.HCM phải giãn cách xã hội. Áp lực rất lớn đổ dồn lên lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch khi phải ngày đêm truy vết, xét nghiệm cũng như ổn định đời sống của người dân.

Trong bối cảnh đó, đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức đã tình nguyện đóng góp sức người sức của để cùng chung tay chống dịch. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

7h sáng, thay vì chuẩn bị đến lớp như thường lệ thì bạn Trần Hoàng Minh (sinh viên năm 2 trường Học viện Cán Bộ thành phố) lướt nhanh qua điện thoại để nắm công việc của nhóm tình nguyện chống dịch mà mình đang tham gia. Sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, nhịp sinh hoạt của Minh và hàng triệu học sinh sinh viên khác trên cả nước bị thay đổi hoàn toàn.

Thay vì ở nhà nằm máy lạnh, lướt mạng xã hội, chơi game thì Hoàng Minh chọn tham gia vào các đội hình tình nguyện hỗ trợ vùng dịch để cùng chung tay góp sức đẩy lùi đại dịch:

"Hành động này thứ nhất là em muốn cho mọi người thấy hiện tại tất cả con người Việt Nam chúng ta phải cùng nhau chung tay để phòng chống dịch bệnh COVID-19 đang rất là nguy hiểm. Thứ 2 nữa là muốn thể hiện tinh thần của thanh niên Việt Nam phải vì cộng đồng như là lời Bác Hồ đã nói: khi cần thanh niên có và đâu khó có thanh niên".

Những ngày đầu quận Gò Vấp mới phát hiện có dịch, phải tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm nhưng lại thiếu nhân lực hỗ trợ, bạn Phạm Thị Thảo Linh – Phó Chủ Tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM nhanh trí thành lập Go Volunteer và đăng lời kêu gọi hỗ trợ. Trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã có rất nhiều bạn trẻ đăng ký tham gia và lên đường ngay lập tức. 

Ban đầu các bạn trẻ còn rụt rè, e ngại vì sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng sau khi được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ an toàn thì sự nhiệt tình và sức trẻ đã được phát huy, chia sẻ áp lực cho lực lượng tuyến đầu:

“Hiệu quả thì vượt ngoài mong đợi và bắt đầu có các quận huyện khác cũng cần phải huy động tình nguyện viên hỗ trợ thì tụi em cũng tiếp tục sử dụng phương thức này và bắt đầu chia ra thành các loại đội hình và phân cấp những mức độ đảm bảo an toàn cụ thể để hướng dẫn các bạn”, bạn Phạm Thị Thảo Linh cho biết.

Bà con tại khu vực có dịch khó có thể nhận ra đằng sau lớp khẩu trang và kính chắn giọt bắn kia là những MC, ca sĩ, diễn viên…quen thuộc thường xuất hiện trên truyền thống đại chúng. Họ xung phong, tình nguyện đến những điểm nóng để cùng hỗ trợ lực lượng lấy mẫu, phân phát nhu yếu phẩm, ổn định tinh thần cho bà con…

Chia sẻ về tinh thần của các văn nghệ sĩ tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch, MC Quỳnh Hoa - Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM đã nói: “Các bạn nhiệt tình lắm, các bạn chờ chưa thấy lịch là hỏi liền là hôm nay mình sẽ đi đâu và sẽ làm địa điểm nào các bạn những công việc rất cụ thể tích cực để có thể hỗ trợ cùng cả nước chống dịch".

Ngoài các cá nhân tình nguyện thì không ít mạnh thường quân, doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành, đóng góp hiện vật, hiện kim rất kịp thời khi xảy ra dịch. Ngay sau khi có thông tin về những ca nhiễm đầu tiên vào nửa cuối tháng 5 vừa qua, anh Mai Quốc Ấn - Chủ tịch doanh nghiệp xã hội Safelife đã xuất ngay trong đêm 7.000 chai Gel nano bạc, 5.000 khẩu trang N96 và 10 ngàn khẩu trang vải kháng khuẩn cho cơ quan phòng chống dịch. Anh Ấn cho biết, ngày nào còn dịch thì doanh nghiệp của anh còn ủng hộ:

“Dưới góc độ một công dân, giờ đất nước gặp dịch thì mình xuất hàng ra mình hỗ trợ thôi, còn sau đó thì mình sẽ bán hàng bù lại vì mình doanh nghiệp xã hội mà, mình không có nhu cầu về lợi nhuận. Hoạt động để mà có dư ra nhiêu thì đem đi chống dịch hết, lúc này đất nước cần mà", anh Mai Quốc Ấn chia sẻ.

Mong rằng, với sự điều hành chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền thành phố, cùng với sự đồng lòng của toàn xã hội thì chúng ta sẽ lại vượt qua dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường. 

--

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: