Nhân rộng mô hình trồng vải sạch

VOVGT-Cây vải thiều ở Lục Ngạn, Bắc Giang từ lâu đã được coi là nông sản đặc sản thế mạnh của vùng nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

Cây vải thiều ở Lục Ngạn, Bắc Giang từ lâu đã được coi là nông sản đặc sản thế mạnh của vùng nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, những năm trước việc trồng vải cũng như tìm đầu mối tiêu thụ vải khá vất vả, bởi chất lượng không đồng đều… Bên cạnh đó là nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm do việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu… khi chăm sóc cây của nông dân ở đây vẫn còn tùy tiện.

Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự vào cuộc của Sở Nông nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực trông cây ăn quả của các Bộ, ngành liên quan, người dân đã từng bước thay đổi tư duy trồng và chăm sóc loại cây ăn quả có giá trị cao này… Việc áp dụng chăm sóc, chế biến cây vải theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cây vải có năng suất cao, chất lượng quả đồng đều và giá trị quả vải trên thị trường cũng cao hơn so với trước đây…

Trong khi những hộ nông dân trồng vải trong vùng đang phải đánh vật với những sọt vải ngược xuôi tìm thương lái mua hàng ở các chợ đầu mối trong vùng, với giá vải giao động từ 10 ngàn tới 25 ngàn đồng/1kg, thì với những hộ trồng cây vải theo tiêu chuẩn VietGAP lại ung dung ngồi nhà tiếp thương lái đến tận vườn thu mua. Và giá 1kg vải trồng theo đúng tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm không hề rẻ so với vải được bán ở chợ, từ 50 - 70 ngàn đồng/1kg…

Ông Nguyễn Văn Đông - Chủ nhiệm HTX Sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang - đơn vị hiện đang đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, đạt tiêu chuẩn trong việc chế biến sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP; cũng là đơn vị chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ vải của 300 hộ dân trong xã cho biết: Được nhà nước hỗ trợ, nông dân chúng tôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nếu trồng cây ở vùng đó thì nước phải sạch, đất sạch, quy trình sản xuất phải là sạch. Trước đây bà con chưa nhận biết được thì cứ 5 - 7 ngày phun 1 lần, nhưng bây giờ được hướng dẫn chi tiết thì có thể 15 - 20 ngày phun 1 lần, do vậy lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm nhiều. Từ cách tỉa cành, tỉa quả như thế nào cũng được hướng dẫn cụ thể. Sản lượng năm nay tuy có giảm một chút nhưng chất lượng quả thì tuyệt vời…

Trong rất nhiều năm, mỗi khi tới mùa vụ, người nông dân trồng vải ở Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung luôn phải loay hoay tìm chỗ bán hàng, sản phẩm thu hoạch không đồng đều chất lượng, dẫn tới giá cả luôn biến động và không chủ động được đầu ra.

Quả vải, vốn là 1 nông sản quý của Việt Nam, thế nhưng đôi khi phải bán với giá gần như cho không. Còn nhớ cách đây không lâu, 1 du học sinh học tại Nhật Bản chia sẻ, trong 1 siêu thị ở Nhật Bản người ta bán 12 quả vải được đóng gói cẩn thận với giá tính ra tiền Việt là hơn 1 triệu đồng - 1 con số trong mơ người trồng vải ở Việt Nam cũng không dám nghĩ tới.

Rõ ràng, với 1 quy trình chăm sóc, sản xuất đạt tiêu chuẩn, quả vải hoàn toàn là 1 sản phẩm nông sản cho thu nhập cao với người nông dân. Rất may, những năm gần đây, người dân trồng vải đã ý thức được điều này, việc áp dụng công nghệ mới vào chăm sóc, chế biến đã giúp nâng cao giá trị quả vải. Ông Đông chia sẻ thêm: Phải ghi nhật ký vườn, hôm nay tưới nước thì ai tưới, tưới vào lúc mấy giờ, nguồn nước lấy ở đâu? Hôm nay bón phân thì phân gì, ai bón, lượng bón là bao nhiêu? Phun thuốc sâu cũng vậy, ai phun, liều lượng phun, tỉ lệ phun như thế nào là phải ghi rất chi tiết. Đặc biệt là phun thuốc bảo vệ thực vật là phải có cán bộ xã xác nhận…

Còn với ông Nguyễn Hồng Quân, nông dân trồng vải ở Phố Kép, Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết, so với trước đây, trồng vải theo tiêu chuẩn mới lại rất đơn giản và dễ dàng, chất lượng hơn hẳn, và giá thành cũng tăng hơn: Vườn vải này tôi vẫn chăm sóc theo kiểu của HTX hướng dẫn, nói chung cũng đơn giản thôi, tưới tắm phải đều, còn chăm bón nói chung trước mình hay phun thuốc tùm lum, hay bị sâu cuống, còn phun theo cách VietGAP hướng dẫn thì phun rất đơn giản, nhưng phải áp dụng từ lúc ra hoa, còn nếu ra quả rồi phun không có tác dụng nữa. Quả cho ra to đều, không kẹ…

Rõ ràng, để quả vải đạt được tiêu chuẩn chất lượng cần phải có 1 quy trình khép kín từ người trồng vải, người sản xuất tới nhà bán lẻ đến người tiêu dùng phải thống nhất như mô hình đang được áp dụng ở Phố Kép, Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang.

Đồng thời, các bộ ngành liên quan cần phải có sự hỗ trợ tích cực với người nông dân, bởi dù người nông dân là người làm ra sản phẩm, nhưng lại là “mắt xích” yếu nhất trong chuỗi tiêu thụ sản phẩm, với thị trường hiện tại họ vẫn không thể chủ động được trong việc tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra. Như vậy, cần phải có các chính sách để các doanh nghiệp gắn kết hơn với người nông dân để tiêu thụ sản phẩm cho họ, giúp người nông dân không còn phải lo canh cánh bị ép giá, hàng hóa ế ẩm mỗi khi mùa vụ đến…