Nhân rộng điển hình tiên tiến trong PCCC tại các làng nghề

Xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) được biết đến là một làng nghề dệt nổi tiếng cả nước. Với đặc thù ngành sản xuất dệt may xen lẫn trong khu dân cư, nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở luôn tiềm ẩn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Mỹ Đức tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các sơ sở dệt may tại xã Phùng Xá

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Bà Hoàng Thị Tuyên, chủ cơ sở kinh doanh hàng dệt may Thái Thịnh, xã Phùng Xá cho biết, hiện cơ sở có gần 10 nhân công cùng khoảng 5-6 tấn hàng hóa thường xuyên được tập kết, vì vậy cơ sở này luôn nhận thức rõ các nguy cơ cháy nổ rình rập.

“Là hộ gia đình sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư, cơ sở chúng tôi đã chủ động trang bị đầy đủ tiêu lệnh, bình chữa cháy. Khi có sự cố xảy ra, cũng phải chủ động có lối thoát nạn thứ hai để dễ dàng thoát nạn”, bà Tuyên cho biết thêm.

Mặc dù khi được hỏi, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều nắm rất rõ lý thuyết trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, nhưng thực tế khi kiểm tra, lực lượng chức năng vẫn dễ dàng bắt gặp những bất cập, như: một số nơi chưa quan tâm đến công tác vệ sinh công nghiệp, bụi bông vải bám kín hệ thống máy móc; hay hệ thống điện câu mắc thiếu an toàn, việc sắp xếp hàng hóa chưa hợp lý, gây cản trở lối thoát nạn…

Một số cơ sở còn chưa quan tâm đến công tác vệ sinh công nghiệp các thiết bị sản xuất
Lực lượng chức năng nhắc nhở các cơ sở sản xuất về an toàn PCCC trong việc sắp xếp hàng hóa và sử dụng các thiết bị điện

Nói về những sự chủ quan này, Trung úy Lương Văn Mạnh – Cán bộ đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Mỹ Đức cho biết:

Thời gian qua, Công an huyện Mỹ Đức đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn PCCC của người dân. Không chỉ tập trung tuyên truyền, đơn vị cũng tham mưu với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Còn theo bà Phan Thị Nhung, Phó chủ tịch UBND xã Phùng Xã (Mỹ Đức), mắm bắt được tình hình trên và căn cứ các quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ, UBND xã xây dựng, ban hành kế hoạch điều tra cơ bản, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH.

Đồng thời, phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC&CNCH tiến hành theo kế hoạch, xử lý các trường hợp vi phạm có thể dẫn đến cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Mỹ Đức thường xuyên tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn PCCC đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh xen lẫn khu dân cư

Cùng với đó, xã Phùng Xá cũng đã triển khai mô hình khu dân cư an toàn PCCC. Với đặc thù là làng nghề có nhiều hộ sản xuất nhỏ, lẻ xen lẫn trong khu dân cư, khi triển khai thực hiện mô hình này, lực lượng Công an xã và các tổ PCCC tại chỗ, dân phòng luôn phát huy vai trò nòng cốt và tích cực trong tuyên PCCC và CNCH.

Ông Nguyễn Văn Bính – Đôi trưởng Đội dân phòng xã Phùng Xá khẳng định:

“Với phương châm 4 tại chỗ là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ được hầu hết các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện đúng theo quy định. Song song với công tác tuyên truyền, công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC cho đội viên đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, luôn được coi trọng”.

Đội PCCC dân phòng xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức
Công tác tập huấn cho lực lượng PCCC tại chỗ, dân phòng luôn được Công an huyện Mỹ Đức quan tâm

Để giảm thiểu số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, những năm gần đây, Công an huyện Mỹ Đức đã chủ động phối hợp với các ban ngành trao đổi thông tin liên quan tới công tác PCCC ở cơ sở.

Đặc biệt, ưu tiên phát huy vai trò các điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân Phòng cháy chữa cháy. Nhờ đó, số vụ cháy nổ cũng như thiệt hại do cháy nổ gây ra đã giảm hẳn.

Trung tá Mai Văn Năm, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Mỹ Đức khẳng định, các điển hình tiên tiến và lực lượng PCCC tại chỗ của huyện đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng cháy tại cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức.

Đến nay, hơn 80% các vụ cháy là do lực lượng tại chỗ và các điển hình tiên tiến cơ sở tự dập tắt hoặc khống chế ban đầu trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến ứng cứu.

“Trước đó, năm 2021, huyện Mỹ Đức đã có 1 địa bàn và 3 cơ sở được Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội tặng giấy khen công nhận điển hình tiên tiến trong công tác đảm bảo an toàn PCCC&CNCH. Dự kiến, trong năm 2022 này, Công an huyện cũng sẽ đề xuất Công an thành phố công nhận cho 1 địa bàn và từ 3-4 cơ sở đạt danh hiệu này”, Trung tá Mai Văn Năm nhấn mạnh.

Trung tá Mai Văn Năm, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Mỹ Đức (Hà Nội)

Hi vọng rằng, với việc nhân rộng điển hình tiên tiến trong PCCC tại các làng nghề, mỗi người dân và từng cơ sở sẽ quan tâm, đầu tư, trang bị đầy đủ phương tiện PCCC; đội viên PCCC cơ sở được huấn luyện nghiệp vụ bài bản, nắm vững phương châm “4 tại chỗ”.

Qua đó thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, góp phần cùng lực lượng PCCC&CNCH khống chế các sự cố cháy, nổ, giảm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.