Nhận diện khuôn mặt khi giao dịch ngân hàng vẫn có những bất cập?

Gần 4 triệu khách hàng đã thực hiện sinh trắc học, trong đó gần 1 triệu khách hàng thực hiện theo phương thức kết nối App to App với ứng dụng VNeID của Bộ Công an trong tháng đầu tiên triển khai tại hệ thống ngân hàng Vietcombank.

Theo đó, từ ngày 01/7 vừa qua, tất cả các giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng một lần hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng một ngày phải xác thực sinh trắc học, giúp xác định người thực hiện giao dịch chính là người mở tài khoản, qua đó tăng tính bảo mật cho khách hàng thường xuyên có nhu cầu giao dịch, tránh tình trạng lừa đảo ngày càng tinh vi như hiện nay.

Tuy nhiên, sau 1 tháng triển khai thực tế vẫn tồn tại nhiều bất cập cần khắc phục để việc kiểm tra sinh trắc học thực sự phát huy được vai trò bảo mật khi giao dịch ngân hàng qua App. PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Văn Tâm - Trưởng ngành Marketing trường Đại học Văn Lang về vấn đề này.

Sau 1 tháng triển khai thực tế vẫn tồn tại nhiều bất cập cần khắc phục để việc kiểm tra sinh trắc học thực sự phát huy được vai trò bảo mật khi giao dịch ngân hàng qua App. Ảnh: Thanh niên

PV: Ngân hàng Nhà nước quy định các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng cần phải xác thực sinh trắc học. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tâm: Thực tế hiện nay cho thấy tình trạng lừa đảo qua mạng rất nhiều, kể cả các hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải xác nhận sinh trắc học cho tất cả các giao dịch có giá trị lớn là đúng đắn và hợp lý.

Tuy nhiên, chúng ta cũng lưu ý rằng thói quen giao dịch của người dân hiện nay là họ có xu hướng chuyển sang giao dịch qua mạng và giao dịch trực tuyến rất nhiều. Vì vậy, quyết định này cũng ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân.

Trong thực tế, không phải người dân nào cũng có sự am hiểu nhất định về công nghệ, nên quyết định của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua còn nhiều bất cập. Nhiều người dân rất lúng túng trong việc khai báo sinh trắc học trên các nền tảng của các ngân hàng.

PV: Ông có thể nói rõ hơn những bất cập, cũng như những khó khăn mà hiện nay người dân chúng ta đang gặp phải không?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tâm: Hiện nay, mỗi ngân hàng có một quy trình rất khác nhau, và đôi khi các hệ điều hành của điện thoại di động cũng không giống nhau, nên gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, bản thân tôi phải mất cả buổi sáng để làm đăng nhập. Nhiều khi phải làm tới làm lui, có ngân hàng tôi làm 5 lần vẫn bị lỗi, rồi cuối cùng nhận thông báo là đã quá số lần quy định, phải thoát ra và đăng nhập lại vào ngày hôm sau. Điều này dẫn đến những khó khăn nhất định.

Một bất cập nữa là yêu cầu phải nhận diện bằng khuôn mặt. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người chứng nh rằng nhận diện khuôn mặt vẫn có thể bị làm giả. Vì vậy, nếu có những điều chỉnh tối ưu hơn, tôi đề xuất hai ý.

Thứ nhất, thay vì nhận diện khuôn mặt, có thể sử dụng nhận diện bằng dấu vân tay vì dấu vân tay khó làm giả hơn. Thứ hai, về mặt kỹ thuật, các ngân hàng hoặc Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn để quy trình khai báo đơn giản hơn, phù hợp với tất cả các nền tảng trên các smartphone hiện nay trên thị trường.

Khách hàng được hỗ trợ cập nhật sinh trắc học tại Ngân hàng Vietbank

PV: Hiện nay, có nhiều người cho rằng việc xác thực bằng sinh trắc học cho các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng là hơi thấp. Ông thấy sao?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tâm: Giao dịch trong cuộc sống hiện nay, số tiền 10 triệu đồng không phải là con số quá lớn, đặc biệt là đối với những người buôn bán nhỏ, những tiểu thương hàng ngày có thể có những giao dịch rất lớn.

Nếu giao dịch nào có giá trị 10 triệu đồng cũng bắt buộc phải xác nhận bằng sinh trắc học, thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày của người dân. Ngân hàng Nhà nước có thể suy nghĩ về một hạn mức nào đó, ví dụ như 50 triệu hay 100 triệu trở lên, thì mới phải khai báo bằng sinh trắc học.

Trong thời gian vừa qua, nhiều người không thể giao dịch 10 triệu đồng nên họ chuyển sang giao dịch 9 triệu, 9,9 triệu hay 9,5 triệu, đây cũng là một hình thức lách luật. Mục đích chính của việc yêu cầu xác thực bằng sinh trắc học là kiểm soát các giao dịch để tránh lừa đảo qua mạng.

Do đó, cần cân nhắc để các hoạt động giao dịch của người dân diễn ra thuận lợi, đồng thời vẫn phải kiểm soát được. Đừng vì một lý do gì đó mà ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân cũng như các hoạt động giao dịch mua bán, trao đổi hiện nay

PV: Vừa qua, có nhiều người cho rằng họ gặp khó khăn khi xác thực sinh trắc học do mắt họ bị đau, có vấn đề về mắt, hoặc thậm chí sau khi đã sử dụng rượu bia thì quá trình xác thực rất khó khăn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tâm: Trong thực tế, nhận diện bằng khuôn mặt vẫn có những bất cập. Ví dụ, nhận diện bằng mắt có thể gặp vấn đề nếu người ta có những vấn đề về mắt, như phải mổ mắt, đeo kính hoặc thậm chí phải băng mắt, dẫn đến không thể nhận diện được.

Khuôn mặt có thể thay đổi qua thời gian, và khi nhận diện như vậy cũng có khó khăn. Thậm chí, vừa rồi có rất nhiều người dùng hình ảnh để thay thế cho khuôn mặt, và nhiều ngân hàng vẫn bị qua mặt trong trường hợp đó.

Do đó, thay vì dùng khuôn mặt, có thể sử dụng dấu vân tay. Dấu vân tay, dù gì cũng gắn liền với mỗi người, và hiện nay người ta cũng sử dụng dấu vân tay trong việc xác thực sinh trắc học rất phổ biến. Vì vậy, có thể thay thế bằng hình thức đó sẽ đơn giản hơn là nhận diện khuôn mặt.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.