Nhà máy Xe điện Hà Nội: Ký ức một thời

VOVGT - Các tuyến tàu điện ở Hà Nội đã tồn tại gần một thế kỷ và tạo ra nhiều thay đổi cho bộ mặt thủ đô trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Sự hiện diện của xe điện được bắt đầu vào ngày 13/9/1900, khi Nhà máy xe điện của Pháp tiến hành chạy thử chuyến đầu tiên là tuyến Bờ Hồ - Thụy Khuê.

Những thập niên sau đó, các tuyến tàu điện liên tục được mở rộng. Với trẻ em Hà Nội thời đó, được đi tàu điện là một sự thích thú không thể diễn tả thành lời và tiếng tàu điện leng keng luôn mở ra một thế giới chuyển động đầy niềm vui cho nhiều thế hệ người Hà Nội.

Sinh hoạt tàu điện đã trở thành nếp sống của người Hà Nội suốt một thời gian dài. Chính vì vậy, nhà máy xe điện Hà Nội được đặt trên phố Thụy Khuê, gần Hồ Tây là một công trình vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong suốt những năm tồn tại loại hình vận tải tàu điện này.

 

Bến tàu điện bờ hồ Hoàn Kiếm năm 1973.

Ngày 13 tháng 9 năm 1900, từ xưởng tàu điện Thụy Khuê, từng đoàn tàu điện leng keng nối đuôi nhau chạy thử tuyến đường đầu tiên Bờ Hồ - Thuỵ Khuê. Đó là một dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển của thủ đô.

Cũng từ đó, chợ Đồng Xuân trở nên nhộn nhịp, sầm uất hơn và là nơi ra đời món xẩm tàu điện nổi tiếng một thời. Mỗi khi lẩm nhẩm câu hát “Nhớ tiếng leng keng tàu sớm trưa” thì bất cứ người Hà Nội nào cũng đều chạnh lòng nhớ về những chuyến tàu điện đã trở thành kỷ niệm khó quên. Một người dân tại phố Thụy Khuê cho biết:

 

Nhà tập kết, bến chính, nơi sửa chữa là nhà ga Thụy Khuê. Ngoài cổng có đường ray để mọi tuyến đường đều có thể dẫn đoàn tàu về nhà máy và cần thì đi thẳng vào trong xưởng, có nhà vòm cao, con tàu đi vào đấy một cách thênh thang khiến nhiều người thời đó nói vui là “nhà của con tàu nên to thật”.

Thời đó Hà Nội không có nhà cao cửa rộng như bây giờ.

Nhắc về nhà máy xe điện Thụy Khuê nhiều người không khỏi tiếc nuối khi công trình hiện đã bị phá dỡ hoàn toàn và thay vào đó là những tòa cao ốc chọc trời, sang trọng giữa không gian lý tưởng hướng ra Hồ Tây:

 

Tàu điện Hà Nội thập niên 1920-1930.

Suốt mấy chục năm, tàu điện không có ghế ngồi cho người lái tàu,họ phải đứng suốt chuyến đi, nghĩa là suốt ngày đêm, một tay điều khiển chiếc vô-lăng là vòng hãm phanh, tay kia cầm chiếc chìa khóa bằng đồng lắp vào cái đĩa đồng có chữ số cao ngang tầm bụng người để điều khiển máy ngầm phía trong, nhanh hoặc chậm, đi hoặc dừng.

Và khi họ dậm chân cho chiếc chuông nơi sàn tàu kêu leng keng là lúc một chân co một chân duỗi, chẳng khác con cò đứng trên cánh đồng là mấy, mà tiếng chuông ấy đã âm vang trong tâm hồn người Hà Nội suốt gần thế kỷ, kể cả những người đi xa, những nhạc sĩ và thi sĩ...

Sau năm 1954, Công ty xe điện do Hà Nội tiếp quản mới lắp cái ghế riêng cho người lái tàu được ngồi.

Thêm một đặc điểm thú vị nữa về xe điện Hà Nội mà nhiều người chưa được biết, sẽ được nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ trong câu chuyện sau đây:

 

Nhiều năm đầu tiên, tàu điện chỉ sơn một màu đỏ nâu, giống như toa tàu hỏa của ngành đường sắt. Sau ngày Hà Nội giải phóng mới có toa sơn nửa đỏ nửa xanh theo chiều dọc toa tàu. Ghế cũng thế, đầu tiên chỉ có ghế ngồi dọc, không chia từng chỗ, ngồi sát vào nhau, nhường nhịn hay không thì tùy.

Giữa toa để trống, chỗ cho hàng hóa, thúng mủng, quang gánh. Sau khi toa sơn đổi màu, bắt đầu có ghế đặt ngang toa, hai người một ghế, ít khi toa ghế ngang này ngồi ba người vì tàu điện không bao giờ quá đông. Người đứng khá nhiều, có thể đứng giữa toa, đứng ngay đầu toa, hay sát vào người lái tàu cũng được.

Chuyện sẵn sàng tự nguyện nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai cũng từng là phong cách hàng ngày của người Hà Nội.

Các tuyến tàu điện đều ra ngoại ô nên không lạ gì toa thứ hai và toa thứ ba thường dành cho người có quang gánh. Bún Phú Đô, rau xanh Bạch Mai, Bảy Mẫu, bánh cuốn Thanh Trì, xôi lúa Hoàng Mai, cốm Vòng, bún Tứ Kỳ... là những sản vật các nơi chở về cung cấp cho nội thành.

Sang đầu thế kỷ 20, mới thấy tiếc là không còn đường tàu điện, nhưng muộn mất rồi, nhất là hình ảnh của nó đã đi sâu vào lòng người, trở thành một nét riêng của Hà Nội. Ông Nguyễn Kháng Chiến, một người dân sống ở phố Hàng Trống kể về dấu ấn với tàu điện của mình:

 

Rồi sẽ còn rất ít người nhớ được những chỗ tàu điện tránh nhau ngày trước như: cửa chợ Mơ, ngã tư Ô Cầu Dền, Hàng Bài, cửa bệnh viện Bạch Mai, cửa ga Hàng Cỏ, cửa chợ Đồng Xuân, giữa phố Quán Thánh, đầu Ô Chợ Dừa... hoặc chỗ đường tàu rẽ bắt vào nhau bằng cái ghi ngầm ở ngã ba hàng Bột- Hàng Đẫy, ngã ba Hàng Bông- Phùng Hưng, ngã ba Hàng Cót- Quán Thánh...

Hy vọng đến một ngày Hà Nội phục hồi một vài đoạn tàu điện để làm du lịch.

Cũng là điều hay khi ký ức một thời được hồi sinh và hiện hữu trong tiếng chuông leng keng lại vang lên từ tinh mơ tới tối mịt trên một vài con đường nào đó của Hà Nội hôm nay.