Nguy cơ phí chồng phí khi thu 50.000 đồng/xe máy để kiểm soát khí thải

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất chi 553 tỷ đồng để thực hiện đề án "Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố".

Theo đó, toàn bộ xe máy đang lưu thông sẽ được kiểm tra khí thải, đồng thời thu phí 50.000 đồng/xe/năm đối với các xe từ 5 năm trở lên.

Tuy nhiên, nhiều người dân và chuyên gia tỏ ra khá băn khoăn trước tính khả thi của đề án trên.

Theo Sở GTVT TP.HCM hiện trên địa bàn có khoảng 7,5 triệu xe máy nhưng thực tế lớn hơn nhiều

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Theo Sở GTVT TP.HCM, mục tiêu của đề án nhằm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành; góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân. Tổng chi phí dự kiến thực hiện đề án là 553 tỷ đồng với lộ trình chia làm 4 giai đoạn.

Cụ thể là năm 2021 bắt đầu tuyên truyền về chính sách kiểm soát khí thải, giai đoạn 2022-2023 thực hiện kiểm tra khí thải toàn bộ xe đang lưu hành để xây dựng cơ sở dữ liệu, đồng thời thu phí 50.000 đồng/xe/năm đối với các xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên…

“Phí chồng phí”

Khi được biết về việc thu phí khí thải trên, nhiều người dân cho rằng việc kiểm soát khí thải là cần thiết nhưng băn khoăn là quy định này có phù hợp không hay lại là tình trạng “phí chồng phí”. Anh Phạm Hồng Phúc, nhân viên văn phòng, ngụ quận Bình Thạnh cho biết anh đang sử dụng phương tiện cá nhân là chiếc xe máy đã 7 năm.

Nên nếu như phải đóng 50.000 đồng một năm không thành vấn đề nhưng theo anh Phúc, hiện nay trong giá xăng dầu đã có phí bảo vệ môi trường nên việc thu thêm 50.000 đồng/năm/phương tiện để kiểm soát khí thải là “không hợp lý”:

"Tôi cho rằng giá xăng dầu đã bao gồm cả thuế, phí, trong đó có thuế phí bảo vệ môi trường. Tính ra đâu đó thì thuế phí bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng hiện nay chiếm khoảng 30%. Tôi nghĩ quy định mới này có thực sự phù hợp hay không hay nó tạo phí chồng phí khiến người dân đang trong tình hình khó khăn hiện nay lại phải thêm khó khăn", anh Phúc nói.

Tương tự, với những tài xế xe ôm công nghệ, công việc hàng ngày gắn với chiếc xe máy, việc đóng 50.000 đồng/năm không thành vấn đề nhưng nhiều người băn khoăn về tính hiệu quả của nó bởi có thu thêm thì cũng sẽ không giảm được phương tiện bởi đây là cần câu cơm.

Anh Nguyễn Đức Thế, ngụ Quận 3, là sinh viên chạy thêm xe ôm công nghệ nói: "Tôi thấy mức phí 50.000 một năm cũng bình thường, chỉ sợ với lượng phương tiện nhiều như thế này không biết thu phí có cải thiện được môi trường hay không".

Xe máy là phương tiện di chuyển chính của nhiều người

Đề án chưa nghĩ đến người dân

Theo nhiều chuyên gia, việc kiểm soát khí thải là cần thiết nhưng cần phải làm rõ tác động đối với xã hội, nhất là với người lao động có thu nhập thấp bởi đây là những người bị ảnh hưởng đầu tiên. Ngoài ra, cần phải làm rõ, có phải xe máy là tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường, việc kiểm định này nếu thực hiện sẽ tốn rất nhiều thời gian, chi phí…

Các chuyên gia cho rằng, cần phải tìm các giải pháp kiểm soát ngay đầu ra các phương tiện, sản xuất các phương tiện đủ chuẩn về khí thải; lâu dài là phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, hạn chế xe cá nhân, có phương án thu hồi, xử lý xe cũ, không đảm bảo tiêu chuẩn và việc này cần phải có lộ trình.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh, uỷ viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM, đề án này chưa đánh giá tác động xã hội nên không đồng tình với đề án này. Vấn đề kiểm soát khí thải không mới nhưng các giải pháp đưa ra chỉ mới giải quyết một phần nổi của vấn đề và cuối cùng người dân phải gánh chịu.

Theo ông Ninh, ở đây cơ quan quản lý chỉ hoàn thành trách nhiệm quản lý mà không để ý đến đời sống người dân, các quy định đưa ra có hợp lý không.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh

Vì thế, để có phương án hợp lý nhất thì phải xét nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố, điều tra xã hội học…cố gắng làm giảm bớt áp lực kinh tế lên đời sống người dân, nhất là người lao động cá thể, kiếm sống hằng ngày bằng phương tiện cá nhân.

Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh nói: "Chỉ có người đi kiếm sống hằng ngày người ta buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân thì cuối cùng hết loại phí này đến phí khác chồng chất lên. Chuyện đó cứ thả lỏng rồi kiếm cớ rồi thu tiền người dân, cho nên chồng chéo. Đã có thu phí trong xăng dầu, đã có thuế đường bộ, giờ để thêm cái này thì cuối cùng người lao động là khổ".

Theo Sở GTVT TP.HCM, trên địa bàn hiện có gần 7,5 triệu xe máy và 2/3 trong số này là xe máy cũ. Tuy nhiên, con số thực tế còn lớn hơn nhiều.

Vì thế, việc kiểm soát khí thải phương tiện là cần thiết nhưng các giải pháp triển khai cần đảm bảo mục đích đặt ra mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là người lao động nghèo./.